Phiên giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật diễn ra vào sáng 23.11 có 15 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 375 lao động là người khuyết tật, trong đó có một số doanh nghiệp tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn.
Hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật” nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12). Phiên giao dịch việc làm lồng ghép được đồng bộ trên hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội.
Đơn vị tổ chức cho hay, chương trình được tổ chức nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động khuyết tật tiếp cận với thị trường việc làm, giúp họ tự tin, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động.
Theo đó, phiên giao dịch sáng 23.11 thu hút 38 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh với hơn 1.080 chỉ tiêu. Trong đó, 15 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 375 lao động là người khuyết tật với các cơ sở sản xuất, đào tạo có uy tín thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các doanh nghiệp với chỉ tiêu phù hợp và mức lương thỏa đáng như: Nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp… tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khuyết tật tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, thu nhập ổn định và có thể gắn bó lâu dài.
Theo ông Nguyễn Kim Khôi – Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12, sau nhiều năm hoạt động, đơn vị đã cung ứng việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Công ty này cũng chịu trách nhiệm đào tạo nghề miễn phí dành cho người lao động khuyết tật và hỗ trợ từ 500.000 đồng/tháng trở lên với đối tượng này.
Ông Khôi cho hay cơ sở này kỳ vọng có thể thu hút thêm từ 5-10 nhân sự cho kỳ sản xuất cuối năm. Các ứng viên được tuyển dụng có thể là người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ.
Còn Angles’ Haven – một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc – đến với phiên giao dịch với mục tiêu tuyển sinh hàng trăm chỉ tiêu học viên để đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau. Gian hàng của tổ chức này thu hút đông đảo người khuyết tật vận động đến tìm hiểu thông tin.
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến – cán bộ dự án, tổ chức này mong muốn hỗ trợ người khuyết tật có thêm kỹ năng nghề nghiệp để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm với các khóa học, thực tập tại các doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ đồng hành với các học viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo một phần đầu ra cho các bạn nhằm giúp người khuyết tật thực sự hòa nhập với xã hội”, bà Yến cho hay.
Mở rộng phiên giao dịch việc làm về các quận, huyện
Theo ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Thành phố Hà Nội có khoảng 100.000 người khuyết tật, trong đó có hơn 30.000 người có khả năng lao động. Nhiều người trong số đó với bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân; luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
“Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì nay trong bối cảnh suy thoái kinh tế sau dịch bệnh COVID-19… vấn đề này lại càng thêm nhiều trở ngại. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội” – ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội bày tỏ mong mỏi phiên giao dịch việc làm luôn được duy trì để người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội tìm được việc làm trên thị trường lao động.
Không chỉ vậy, những phiên giao dịch việc làm như thế này sẽ tiếp tục được mở rộng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố để phù hợp hơn nữa đối với người khuyết tật khi đến tham gia.