(Dân trí) – Trong 27 ngành nghề được thống kê, 3 ngành hiện có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất tại TPHCM là da giầy, may mặc; kinh doanh và quản lý; thực phẩm, đồ uống.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến tại trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp ở quận, huyện. Qua đó, trung tâm đã tư vấn việc làm cho gần 28.000 lượt người, trong đó có 2.550 lượt người được giới thiệu việc làm.
Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện hàng loạt chương trình kết nối việc làm tại Lễ hội ẩm thực chay Xuân Giáp Thìn – 2024; tham gia tư vấn – giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2024 ở các quận, huyện; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các bến xe, nhà ga…
Qua những hoạt động đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM thực hiện thống kê nhu cầu người tìm việc – việc tìm người theo tiêu chí 27 ngành nghề cụ thể với cơ sở dữ liệu là 2.550 lượt người được giới thiệu việc làm và 9.626 vị trí doanh nghiệp muốn tuyển dụng.
Theo bảng thống kê trên, có thể thấy 3 ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tại TPHCM là da giầy, may mặc (với 2.426 vị trí, chiếm tỷ lệ 25,2% tổng số vị trí tuyển dụng); kinh doanh và quản lý (1.129 vị trí, tỷ lệ 11,73%); thực phẩm, đồ uống (1.809 vị trí, tỷ lệ 18,79%).
Tuy nhiên, nguồn cung cho các ngành này khá hạn chế. Cụ thể, chỉ có 142 lao động tìm việc ngành da giầy, may mặc (chiếm tỷ lệ 5,57% số người tìm việc); 12 người tìm việc ngành kinh doanh và quản lý (tỷ lệ 0,47%); 8 người tìm việc ngành thực phẩm, đồ uống (tỷ lệ 0,31%).
Một số ngành khác có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng số lượng ứng viên rất ít là ngành y tế, sức khỏe (tuyển 209 vị trí, chỉ có 3 người tìm việc); ngành xây dựng và kiến trúc (tuyển 125 vị trí, 4 người tìm việc); ngành tài chính, chứng khoán, bất động sản (tuyển 610 vị trí, 27 người tìm việc)…
Trong khi đó, có những ngành có rất nhiều lao động tìm việc nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng.
Như ngành nông, lâm và thủy sản, trong 2 tháng đầu năm 2024 có đến 1.124 người tìm việc (chiếm 44,08% tổng số người tìm việc) nhưng không có doanh nghiệp tuyển dụng. Ngành giáo dục chính trị, triết học có 144 người tìm việc (tỷ lệ 5,65%); ngành kinh tế có 148 người tìm việc (tỷ lệ 5,8%)… nhưng số lượng nhu cầu tuyển dụng là 0.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật có nghề áp đảo so với nhu cầu nhu cầu tuyển lao động trình độ đại học trở lên (92,4% so với 7,6%).
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong năm 2024, trung tâm có kế hoạch tổ chức 50 sàn/ngày hội việc làm để nâng cao hiệu quả kết nối việc làm cho người lao động và doanh nghiệp.
Điểm mới của năm nay là trung tâm cùng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng địa bàn, khu dân cư về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề và kết nối xuất khẩu lao động…