Để tìm việc hiệu quả, ngoài CV (hồ sơ) ấn tượng, ứng viên cần mở rộng các mối quan hệ với các kênh tuyển dụng và người làm trong ngành
Việt Nam đang có 56,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Để cạnh tranh và tìm việc hiệu quả, người lao động cần làm gì? Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Khánh Ly – Trưởng Phòng Tuyển dụng, Dịch vụ khoán việc và Cho thuê lại lao động Công ty TNHH Manpower Việt Nam, về vấn đề này.
Phóng viên: Theo bà, một ứng viên như thế nào để được xem là hội đủ điều kiện lý tưởng?
– Bà NGUYỄN KHÁNH LY: Thị trường việc làm biến động liên tục vì thế ứng viên hãy chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, lĩnh vực mình quan tâm thông qua các kênh chính thống như: báo đài, báo cáo việc làm, báo cáo ngành của các đơn vị tuyển dụng và tư vấn nhân sự chuyên nghiệp… Chủ động xây dựng mạng lưới mối quan hệ (networking) kể cả offline (gián tiếp) và online (trực tiếp) với các bên tuyển dụng và những người làm việc trong ngành. Càng nhiều mối quan hệ càng mở ra nhiều cơ hội việc làm.
Xây dựng networking online đang phổ biến trên các hội nhóm mạng xã hội. Như LinkedIn là một mạng xã hội chuyên nghiệp, hiệu quả kết nối giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc, đồng thời cũng là nơi để ứng viên xây dựng thương hiệu cá nhân và được nhà tuyển dụng chủ động tìm đến.
Hiện các doanh nghiệp đặt ra yêu cầu tuyển dụng cao, đòi hỏi ứng viên có kỹ năng mềm, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các công cụ công nghệ… Do vậy, dù là lao động trẻ mới đi làm hay đã có thâm niên thì đều phải trau dồi, cập nhật kiến thức mới sẽ là chìa khóa để có công việc và đàm phán được mức lương, thưởng tốt.
Một CV ấn tượng được hiểu thế nào?
– Các bạn trẻ, nhất là sinh viên mới ra trường, thường mắc lỗi liệt kê quá nhiều kinh nghiệm việc làm thêm không liên quan vị trí ứng tuyển trong CV, không nhắc đến mục tiêu nghề nghiệp, chưa trình bày điểm mạnh – yếu, ngôn ngữ trình bày thiếu nhất quán (Anh – Việt lẫn lộn)…
Một CV ấn tượng là cung cấp đầy đủ các thông tin chính gồm: thông tin cá nhân (ngày sinh, số điện thoại, email); kinh nghiệm việc làm (tên công ty, vị trí, nhiệm vụ chính – thứ tự từ gần nhất đến cũ nhất) hoặc các hoạt động ngoại khóa tại CLB, trường (nếu là sinh viên mới ra trường); trình độ học vấn (tên trường, chuyên ngành, thời gian học); các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm (ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ kèm chứng chỉ); người giới thiệu (quản lý cũ, giáo viên bộ môn). Bên cạnh đó, cần bổ sung các thành tích khi đi học hoặc được khen thưởng ở công ty cũ để nhà tuyển dụng đánh giá cao cũng như nhìn thấy tiềm năng phát triển của ứng viên.
Ngoài ra, để thu hút và thuyết phục nhà tuyển dụng, CV cần bảo đảm các tiêu chí sau: trình bày rành mạch, ngắn gọn (cả CV chỉ nên dài 1 – 2 trang A4); thông tin thật; font chữ và cỡ chữ tiêu chuẩn, không sai chính tả, ảnh profile cá nhân phải chỉn chu… Tóm lại, một CV ấn tượng là có thông tin đúng, đủ và chuyên nghiệp.
Bà khuyên gì với ứng viên để tránh bẫy lừa đảo?
– Để tránh bẫy lừa khi tìm việc, ứng viên nên nộp hồ sơ trực tiếp vào các kênh tuyển dụng, sàn việc làm chính thống thông qua website hoặc địa chỉ văn phòng của doanh nghiệp. Các đơn vị tuyển dụng hay doanh nghiệp uy tín luôn cởi mở trong việc thông tin số điện thoại, địa chỉ, email… Đặc biệt, họ không bao giờ đòi hỏi nộp phí hay đặt cọc, nếu ứng viên nhận được những yêu cầu này thì đó là lừa đảo và tuyệt đối không làm theo.