Học sinh trải nghiệm làm sinh viên tại hệ thống phòng học thực hành, thí nghiệm ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TPHCM. Ảnh: ITN |
Thời điểm vàng
Năm học 2023 – 2024, Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) có gần 200 học sinh lớp 12. Cô Hiệu trưởng Hà Thị Thu chia sẻ, qua khảo sát sơ bộ cho thấy, thời điểm này, hầu hết học sinh có nguyện vọng đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Đây là thời gian “vàng” để nhà trường đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.
“Dựa trên điểm kiểm tra cuối học kỳ I và điểm khảo sát, quá trình học tập của học sinh và xu hướng đăng ký bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em”, cô Hà Thị Thu cho hay.
Với học sinh có xu hướng lựa chọn bài thi Khoa học xã hội, thầy cô Trường THCS & THPT Bá Thước khuyến nghị có thể tham khảo các trường có nhóm ngành đào tạo phù hợp năng lực, sở trường của mình. Ngoài ra, tùy theo điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, các em lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường đại học “vừa sức”.
Giờ chào cờ đầu tuần của Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) được lồng ghép hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường, trọng tâm là học sinh lớp 12. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan chia sẻ, nhà trường tổ chức tư vấn bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp, chương trình phát thanh của Đoàn Thanh niên. Ngoài ra, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Các tổ đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.
Bên cạnh đó, Trường THPT Lục Nam thành lập chuyên mục tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh trên website của trường. Theo đó, học sinh có thể trực tiếp tham gia khảo sát nhận thức năng lực nghề nghiệp bản thân và nguyện vọng sau khi tốt nghiệp THPT năm 2022 thông qua phần mềm.
“Chúng tôi cũng nhận thức, thời điểm này bước vào giai đoạn “vàng” để tư vấn, hướng nghiệp học sinh lớp 12. Do đó, bất kỳ có thông tin liên quan đến tuyển sinh, nhà trường cập nhật và phổ biến ngay để các em có cơ sở lựa chọn ngành nghề đúng và trúng”, cô Nguyễn Phương Lan nhấn mạnh và cho biết, nhà trường đang “tăng tốc” việc dạy học, ôn tập cho học sinh, giúp các em vững vàng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Một hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Trường THPT Hoàng Cầu. Ảnh: Website nhà trường |
Đổi mới cách làm
Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 được Trường THPT Ngô Quyền (Phú Quý, Bình Thuận) chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm học nhưng tập trung cao điểm từ thời điểm này cho đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, thầy Phó Hiệu trưởng Lê Quang Trọng thông tin.
Theo Chương trình GDPT 2018, nội dung giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục tại nhà trường. Trên cơ sở đó, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp tình hình thực tế.
“Tới đây, chúng tôi sẽ khảo sát sơ bộ nhu cầu học đại học, học nghề của học sinh lớp 12 để có cơ sở tư vấn, định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên, giáo viên bộ môn có mối quan hệ gần gũi với học sinh quan tâm, theo dõi định hướng nghề nghiệp để các em chọn trường phù hợp năng lực, sở thích”, thầy Lê Quang Trọng nhấn mạnh.
Trực tiếp tư vấn cho học sinh, cô Phạm Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) nhìn nhận, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giúp học sinh cảm nhận bước đầu về ngành, trường học. Đây là kênh tham khảo hữu ích, giúp các em có thêm nguồn tư liệu, cơ sở để lựa chọn ngành, trường học phù hợp. Tuy nhiên, cần thay đổi phương thức tư vấn nhằm tăng hiệu quả, hiệu ứng tích cực.
Chẳng hạn như, mời cán bộ, giảng viên đại học nói chuyện, trao đổi với học sinh. Ngoài ra, có thể đưa trò đi trải nghiệm thực tế tại một số cơ sở giáo dục đại học. Phương thức này giúp các em hình dung rõ hơn các ngành đào tạo và có sự so sánh về phương pháp học của sinh viên. Trên hết, các em được giải đáp cặn kẽ về những vấn đề liên quan đến chỉ tiêu, ngành nghề mình chọn, phương thức tuyển sinh… đồng thời trải nghiệm thực tế như một sinh viên của trường. Đây là phương thức hay cần phát huy.
Thông qua các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, em Dương Mạnh Dũng – học sinh lớp 12, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) nhận được nhiều thông tin hữu ích; trong đó có những điểm cần lưu ý trong mùa tuyển sinh năm nay và cơ hội, tiêu chuẩn đầu vào, việc làm của một số ngành học. Từ đó, giúp sĩ tử thêm động lực để ôn tập, quyết tâm thực hiện ước mơ học đại học.
Theo ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh), khi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, cần chú trọng đến phương pháp. Qua đó, hướng dẫn các em có kế hoạch, sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi lựa chọn ngành, trường học.
“Chẳng hạn, tháng nào thì học sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu về ngành nghề đào tạo; tháng mấy cần nghe ngóng thông tin truyền thông…”, ThS Trịnh Hữu Chung viện dẫn, đồng thời cho rằng, thời điểm này phù hợp để tư vấn cho học sinh về ngành nghề, sở thích, sở trường. Sang tháng 3, các em đặt bút làm hồ sơ đăng ký vào một số cơ sở giáo dục đại học có xét tuyển sớm.
Theo ThS Trịnh Hữu Chung, nếu thực hiện tốt khâu định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ có cơ sở khoa học để lựa chọn đúng ngành, trường học. Khi đó sẽ giúp các em phát huy năng lực, sở trường của mình trong học tập và công việc sau này.