Người lao động cần cảnh giác trước những lời mời công việc nhẹ có thu nhập cao để tránh sập bẫy của những đối tượng lừa đảo
Theo thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng xã hội (MXH) khoảng 8.000 – 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số mà người dân đã trình báo đến lực lượng chức năng.
Lắm chiêu trò
Trường hợp của anh Đỗ Chiến Thắng (tỉnh Bình Dương) là ví dụ. Tháng 10-2023, thông qua MXH Facebook, anh tìm việc làm thêm và nhận được thông báo tuyển dụng từ Công ty TNHH T.T.T, có trụ sở chính tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cùng chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành.
Công việc được mô tả là gia công kẹp tóc, chuỗi hạt tại nhà với mức thu nhập cao. Theo thông báo từ phía công ty, người lao động (NLĐ) sau khi hoàn thành từ 50 – 300 đơn hàng sẽ nhận thưởng từ 300.000 đến 2,8 triệu đồng. Chưa kể, nếu năng suất tốt, doanh nghiệp (DN) sẽ chi thêm hoa hồng để tri ân NLĐ. Anh Thắng cho biết những đơn hàng đầu tiên, tiến độ thanh toán nhanh chóng, hàng vừa trao tay là đã nhận được vốn lẫn lãi.
Tuy nhiên, từ đơn hàng thứ 3, tổng giá trị hơn 45 triệu đồng, vấn đề bắt đầu phát sinh. Phía công ty cho biết tiến độ thanh toán từ công ty mẹ gặp trục trặc, phương thức giao dịch thay đổi, hoàn thành đơn hàng, chuyển đi thành công mới nhận được tiền. “Tin lời, tôi và người thân làm ngày đêm để kịp tiến độ. Song đơn hàng đã chuyển đến kho nhưng tiền thì không nhận được. Liên hệ người quản lý thì tài khoản của tôi đã bị chặn. Đến kho hàng theo địa chỉ công ty cung cấp, mới hay họ đã dọn đi từ lâu” – anh Thắng bức xúc.
Tương tự, chị Phan Thị Thu (quê Tiền Giang) cũng bị “ăn bánh vẽ” trong quá trình tìm việc làm. Qua tìm hiểu thông tin tuyển dụng trên các trang MXH, chị Thu tiếp cận được mẩu tin tuyển dụng của Công ty TNHH Phát triển nhân lực chất lượng cao Đại An (quận 6, TP HCM).
Công việc là lao động thời vụ dán nhãn với mức lương 30.000 đồng/giờ. Chị cùng một người bạn đến tìm hiểu. Sau khi tư vấn cụ thể về công việc, đại diện công ty yêu cầu mỗi người đóng 500.000 đồng để may đồng phục và hẹn một tuần sau đến nhận việc tại cửa hàng ở Trung tâm Thương mại AEON Mall Bình Tân (TP HCM).
“Khi được yêu cầu đóng tiền đồng phục, tôi rất đắn đo, vì đang bám víu vào khoản trợ cấp thất nghiệp. Nhưng thấy trụ sở công ty lớn, có bảo vệ, nhân viên tư vấn rất đàng hoàng nên tôi tin tưởng. Một tuần sau, khi liên hệ lại với công ty thì điện thoại không liên lạc được, tôi và người bạn đến trụ sở thì thấy đóng cửa. Hỏi người dân xung quanh, chúng tôi mới biết biết công ty đã chuyển đi và cũng có nhiều người bị lừa giống như tôi” – chị Thu nói.
Làm không công
Một trường hợp khác cũng làm NLĐ mất công, tốn sức nhưng không được công việc như ý là chị Võ Thanh Tuyền (quận Gò Vấp, TP HCM). Tháng 12-2023, thấy thông tin tuyển dụng trên MXH của một công ty bao bì giấy gần khu vực đang thuê trọ, chị tới nộp hồ sơ.
Khi trao đổi, đại diện công ty cho biết vị trí của chị sẽ làm 8 giờ/ngày, tiền công 20.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, sau khi nhận việc, chị mới biết ca làm việc kéo dài 12 giờ. Công việc quá vất vả nên sau 3 ngày làm việc thì chị xin nghỉ. Thế nhưng, khi chị đề cập đến tiền công thì công ty nói phải làm đủ tháng mới được nhận. Đòi lương không được, chị đành bỏ việc, coi như làm không công.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh niên TP HCM, đánh giá tình hình sản xuất – kinh doanh của DN sau Tết đã ổn định trở lại, thị trường lao động ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. “Tuy nhiên, khi tìm kiếm việc làm, NLĐ cần tìm đến các đơn vị uy tín để tránh tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ về DN, vị trí việc làm, mức lương. Lưu ý là các DN uy tín không bao giờ yêu cầu NLĐ phải đặt cọc, thế chấp tiền, tài sản” – ông Sang khuyến cáo.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết thời gian gần đây, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường đánh vào lòng tham, nhu cầu tìm việc, kiếm thêm thu nhập của NLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản.
“Cần cảnh giác đối với nhóm đối tượng lừa đảo dẫn dắt tham gia các hội nhóm kiếm tiền trực tuyến trên các trang MXH như Zalo, Telegram hoặc Facebook. Trên thực tế, rất khó để tìm kiếm được công việc nhẹ có thu nhập cao” – ông Hiếu lưu ý.
10.000 vị trí việc làm chờ người lao động
Nhằm tăng cường hoạt động kết nối giữa DN và NLĐ, ngày 9-3 tới, Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM phối hợp với Trung tâm DVVL TP HCM sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trường CĐ Kinh tế TP HCM (33 Vĩnh Viễn, phường 2, quận 10). Dự kiến, sàn giao dịch sẽ thu hút sự tham gia của 40 DN mang đến 10.000 vị trí việc làm.