Mây Trinh
(NLĐO) – Hình thức lừa đảo liên tục thay đổi khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Đối tượng xấu nhắm đến chủ yếu là mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp – trung bình cần tìm việc làm thêm.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo về nhiều chiêu trò lừa đảo việc làm thêm trên mạng gần Tết.
Theo đó, thời gian này, trên các nhóm tìm việc online, phổ biến nhiều bài viết quảng cáo tuyển dụng như: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn.
Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình – thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm.
Gần đây, vì nhu cầu muốn kiếm tiền và cần tiền nhanh, anh N.V.Đ (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã sập bẫy của những đối tượng sử dụng chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10-20%”. Ngay sau khi nhìn thấy quảng cáo về một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và phòng khách sạn trực tuyến, nạn nhân đã “nhẹ dạ cả tin” chuyển cho đối tượng lừa đảo số tiền hơn 32 triệu đồng trong vòng chưa đầy một ngày.
Theo Cục An toàn thông tin, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia.
Các hình thức nhận diện gồm:
– Đối tượng tạo lập trang web, mạng xã hội giả mạo; đăng bài tuyển nhân viên, đánh vào nhu cầu muốn kiếm tiền và cần tiền nhanh của nạn nhân.
– Chạy quảng cáo, sử dụng hình ảnh, thông tin của các tập đoàn uy tín để lấy lòng tin từ nạn nhân.
– Đối tượng dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân.
– Các đối tượng liên tục dồn ép nạn nhân phải làm nhiệm vụ không sẽ mất tiền để buộc nạn nhân phải tiếp tục thực hiện yêu cầu.
– Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng; hệ thống lỗi… để trì hoãn việc rút tiền. Từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tài sản của nạn nhân.
Cách phòng tránh:
– Người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội.
– Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền. Không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng.
– Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguồn: Tại đây