Tin-ảnh: Mây Trinh
(NLĐO) – Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), có 2 hình thức lừa đảo việc làm chính là: lừa đảo dẫn dụ, buôn bán người sang Campuchia và lừa đảo làm cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”.
Mới đây, fanpage một trường ĐH đã đăng tải câu chuyện sinh viên một trường ĐH tại TP HCM bị lừa đảo việc làm, bị bắt sang Campuchia và trốn chạy trở về.
Theo đó, sinh viên này nộp hồ sơ tìm việc nhiều nơi, sau đó nhận được cuộc gọi và đề nghị kết bạn qua Zalo từ kẻ xấu mạo danh người của Shopee. Người này xin email của sinh viên và hẹn lịch phỏng vấn.
Sau vòng phỏng vấn qua zoom, sinh viên được xác nhận trúng tuyển làm thực tập sinh, địa điểm tại kho Shoppe ở tỉnh Long An. Sinh viên được hẹn ra bến xe An Sương (huyện Hóc Môn, TP HCM) để xe công ty đưa đi.
Khi tới nơi, sinh viên leo lên xe thì có một mình tài xế. Tới một địa điểm, xe dừng đón thêm người, gồm cả người Việt và người Campuchia. Nhóm này sau đó đã dùng vũ lực để lấy hết tài sản, trong đó có điện thoại của sinh viên.
Xe tiếp tục chạy thẳng qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, tại đây sinh viên được chuyển qua một xe khác đưa sang Campuchia. Sau 24h bị bắt, bằng nhiều cách, cộng với may mắn và có kỹ năng thoát hiểm tốt nên sinh viên này đã về lại được Việt Nam, chỉ bị đánh và chấn thương phần mềm. Vụ việc đã được trình báo tới cơ quan công an.
Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), lừa đảo dẫn dụ, buôn bán người sang Campuchia là một trong 2 hình thức lừa đảo việc làm chính. Hình thức còn lại là lừa đảo làm cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”.
Cận Tết, tình trạng này ngày càng phổ biến. Kẻ xấu thường đăng bài tuyển dụng quảng cáo trên các hội nhóm mạng xã hội (như Facebook, Zalo). Chúng cũng giả mạo thông tin của những công ty uy tín (logo, hình ảnh, email….), dẫn dụ nạn nhân đầu tư tài chính, chốt đơn kiếm hoa hồng,…