Từ tháng 12, quy định xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cùng một số chính sách giáo dục khác có hiệu lực.
Quy định xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Ngày 30.10.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 21/2023/TT-BGDĐT, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16.12.2023.
Theo Thông tư, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16 đối với 2 trường hợp sau:
Trường hợp viên chức đang làm công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nhưng chưa được bổ nhiệm theo quy định của Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 22//6/2016 khi đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.
Trường hợp được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sau ngày thông tư này có hiệu lực và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định.
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư này được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy định tại Bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ.
Quy định định vị trí việc làm trong trường phổ thông, chuyên biệt công lập
Ngày 30.10.2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16.12.2023.
Danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ, bao gồm:
Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng; phó hiệu trưởng). Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật,…). Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung theo quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ (kế toán, văn thư, thủ quỹ,…) và nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường…).
Thông tư bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông.
Quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên
Căn cứ quy định chia vùng, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các đơn vị cấp xã theo từng vùng làm căn cứ để tính định mức giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định tại khoản 2 Điều này thì UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế.
Việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.
Quy định định vị trí việc làm trong trường mầm non công công lập
Ngày 30.10.2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16.12.2023.
Theo Thông tư, mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập được bố trí 1 hiệu trưởng. Các cơ sở giáo dục mầm non được bố trí 2 người để thực hiện các nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non có từ 5 điểm trường trở lên hoặc có từ 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên thì bố trí 3 người để thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện.
Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ. Căn cứ tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ em. Căn cứ số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.
Việc ký kết hợp đồng lao động thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.