Bài và ảnh: MAI CHI
Tìm việc làm mới là vấn đề khó khăn nhưng cũng là cơ hội để người lao động lớn tuổi có thể thử sức khởi nghiệp tại nhà, từ đó tự tạo việc làm và thu nhập ổn định
Tháng 5-2023, khi hợp đồng lao động hết hạn, bà Nguyễn Thị Loan (43 tuổi) không được Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) ký tiếp hợp đồng mới. Đến nay, dù đã liên hệ nhiều nơi nhưng bà vẫn chưa tìm được việc làm. Không việc làm, không thu nhập, hằng tháng lại phải tốn chi phí thuê nhà trọ, sinh hoạt… nên cuộc sống của bà gặp nhiều khó khăn.
Lúng túng xoay xở
Bà Loan cho hay lúc trẻ, bà thích nghề làm móng và có theo học một thời gian ngắn. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà đành bỏ ngang và xin đi làm công nhân (CN).
Dù trải qua nhiều doanh nghiệp (DN) nhưng bà Loan chỉ làm thợ phụ, lại ở các khâu khác nhau nên chuyên môn gần như là con số 0. Mất việc, lại lớn tuổi nên bà càng khó tìm việc làm mới. Đôi lúc bà muốn học lại nghề làm móng để tìm kế sinh nhai nhưng không có tiền bởi không thuộc diện hỗ trợ của công ty. “Nếu học nghề, ngoài chi phí sinh hoạt, nhà trọ thì tôi còn phải tốn thêm khoản học phí. Thực sự tôi rất lúng túng khi chuyển đổi nghề nghiệp” – bà rầu rĩ.
Giữa tháng 5-2023, bà Bùi Thị Hà (50 tuổi), CN Công ty TNHH Sole Santiny (quận 12, TP HCM), cũng lâm vào cảnh thất nghiệp do DN gặp khó khăn, phải ngưng hoạt động. Hơn 10 năm trước, bà từ Nam Định vào TP HCM xin việc làm để nuôi 2 con ăn học. Bao năm qua, bà Hà chỉ biết làm mỗi công đoạn gò nhưng hiện nay, đa phần DN hoạt động trong lĩnh vực này đều hạn chế tuyển lao động nên bà không thể tìm việc làm mới.
Ở tuổi 50, bà Hà tỏ ra ái ngại khi đề cập chuyện học nghề để chuyển đổi công việc. Mục tiêu trước mắt của bà là sớm tìm được việc làm để có tiền trang trải cuộc sống. Các công việc bà hướng đến là giúp việc nhà, phụ quán, trông trẻ…
Cũng từng lúng túng khi mất việc nhưng đến nay, cuộc sống của bà Trà Thị Kim Tuyền (45 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã ổn định nhờ tìm được hướng đi mới. Vốn có tay nghề và kinh nghiệm may mặc, hơn 3 năm trước, vợ chồng bà quyết định mua máy may và nhận hàng gia công tại nhà.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nguồn hàng khá nhiều, công việc tiến triển tốt, vợ chồng bà Tuyền đầu tư thêm máy và đón 2 người cháu từ Quảng Ngãi vào làm cùng. Hiện tại, dù nguồn hàng không nhiều như trước khiến thu nhập giảm sút song so với việc không có thu nhập khi mất việc, cuộc sống gia đình bà ổn định hơn nhiều.
Đừng ngại khởi nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5-2023, 509.903 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng việc làm (mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương). Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người. Riêng tại TP HCM, 44.890 lao động đã bị mất việc, thôi việc.
Khảo sát của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM tại một số DN cắt giảm nhiều lao động cho thấy đa số là lao động phổ thông và có độ tuổi trên 40. Mất việc khi lớn tuổi lại khó tìm việc làm mới khiến không ít NLĐ lúng túng.
Theo bà Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, giai đoạn mất việc là lúc NLĐ cần nghiêm túc nhìn lại bản thân xem đâu là điểm mạnh, điểm yếu; xác định mình mong muốn làm gì và khả năng có thể làm gì. Khi đã định vị được vị trí bản thân và xác định được hướng đi mới, NLĐ có thể tận dụng mạng lưới quan hệ xã hội và tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện mong muốn của mình.
ThS Vũ Tuấn Anh, người sáng lập dự án Một triệu phụ nữ và người yếu thế khởi nghiệp cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà, cho rằng mất việc khi lớn tuổi khiến NLĐ đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, đó cũng có thể là cơ hội để chuyển đổi nghề hoặc bắt đầu khởi nghiệp, tạo nguồn tài chính bền vững hơn.
ThS Vũ Tuấn Anh cho rằng NLĐ không nên suy nghĩ “khởi nghiệp” là cái gì đó quá lớn lao mà có thể bắt đầu bằng mô hình kinh doanh tại nhà, như bán cà phê, nước uống, đồ ăn sáng, dịch vụ du lịch, bán vé máy bay, cung cấp các dịch vụ cộng đồng (làm móng, spa, trang điểm…). Các công việc này phù hợp với số đông NLĐ vì có thể tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng sẵn có và mặt bằng, nhân lực của gia đình cũng như nguồn khách hàng trong cộng đồng dân cư sinh sống, lại dễ làm, ít vốn, ít rủi ro, đôi khi không cần phải qua đào tạo.
“Khi bắt tay khởi nghiệp, NLĐ lớn tuổi cần tránh phương thức nhượng quyền, bỏ chi phí đầu tư lớn hay chi quảng bá trực tuyến quá mức… Nên làm từ từ, có thời gian thử nghiệm và từng bước thăm dò thị trường để tìm mô hình kinh doanh phù hợp” – ông Vũ Tuấn Anh khuyến cáo.
Tự học, tự rèn
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội DN quận Bình Tân, cho rằng để tránh lâm vào cảnh mất việc, NLĐ phải tự đánh giá lại năng suất lao động, việc tuân thủ kỷ luật, nội quy lao động cũng như đóng góp của bản thân cho DN để từ đó có điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Tâm, xu thế của DN hiện nay là sử dụng lao động có nhiều kỹ năng hoặc có thể làm nhiều công việc khác nhau. Trong bối cảnh DN khó khăn, phải tổ chức lại lao động thì NLĐ có thể tồn tại cùng DN là những người uyển chuyển trong công việc, có thể theo được sự thay đổi. Do đó, NLĐ cần tự trang bị kiến thức, tự học, tự rèn để trở thành lao động đa năng.
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/co-hoi-nao-cho-lao-dong-lon-tuoi-mat-viec-2023070921131855.htm