(NLĐO)- Chỉ khi được chủ động về tài chính, Công đoàn cơ sở mới có nguồn lực để lo cho đoàn viên trong giai đoạn đặc biệt khó khăn hay thiên tai, dịch bệnh kéo dài
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM vào sáng 11-4 đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) với sự tham gia của gần 50 đại biểu là cán bộ Công đoàn, đại diện các sở, ban, ngành TP.
Một trong vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm góp ý là về cơ chế tài chính của tổ chức Công đoàn. Theo đó, đa số cán bộ Công đoàn đều thống nhất việc duy trì kinh phí Công đoàn (do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động) để chăm lo cho đoàn viên – lao động.
Đối với việc quản lý, sự dụng kinh phí Công đoàn, đa số ý kiến ủng hộ Phương án 2 tức Kinh phí Công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 do Công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các đại biểu cũng tán thành việc công khai tài chính Công đoàn theo điều 33 dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – pháp luật LĐLĐ TP cho rằng những năm qua khi dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của đoàn viên- lao động. Thời điểm đó, nhờ có nguồn tài chính tích lũy, tổ chức Công đoàn từ cấp tổng liên đoàn đến Công đoàn các địa phương, Công đoàn cơ sở đã triển khai rất nhiều chương trình chăm lo, hỗ trợ kịp thời để giúp người lao động bị cách ly, phong tỏa, bị nhiễm bệnh, những lao động bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng… vượt qua khó khăn.
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ trong năm 2021, các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Kể cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát, những chính sách hỗ trợ công nhân bị mất việc, giảm giờ làm do doanh nghiệp phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất… vẫn duy trì. Điều đó cho thấy hiệu quả và sự cần thiết phải duy trì kinh phí Công đoàn.
Đại diện Công đoàn tại một doanh nghiệp giày da có hàng chục ngàn lao động cũng nhìn nhận rằng, nhờ nguồn kinh phí Công đoàn trích lại, Công đoàn cơ sở đã chủ động chăm lo cho công nhân, giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong thời điểm dịch bùng phát.
“Khi ấy, chủ doanh nghiệp không thể quán xuyến hết công nhân nào bị phong tỏa, cách ly, bị F0, F1 hay những công nhân không làm “3 tại chỗ” mà giao hết cho Công đoàn. Chúng tôi trở thành đầu mối thông tin, liên lạc để chăm lo, hỗ trợ người lao động khi cần. Nhờ sự kết nối ấy mà ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, có hơn 90% công nhân đã ngay lập tức trở lại nhà máy. Chứng kiến những điều này, chủ doanh nghiệp đã có một cái hoàn toàn nhìn khác biệt về Công đoàn. Nếu không có kinh phí Công đoàn, thực sự Công đoàn cơ sở không thể làm được những việc trên. Vì vậy, duy trì kinh phí 2% là vô cùng cần thiết”-vị đại diện này cho biết.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM cho rằng hiện nay, 75% tổng số thu kinh phí Công đoàn được trích về cơ sở, 25% còn lại do Công đoàn cấp trên quản lý. Với 25% này, phần lớn được trích vào quỹ bảo vệ người lao động, quỹ này được sử dụng để chăm lo, bảo vệ đoàn viên – lao động khi họ gặp khó khăn hoặc khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, việc làm của người lao động. Do vậy cần đảm bảo nguồn quỹ này để Công đoàn tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.