(NLĐO) – Mất hoặc thiếu việc làm, nhiều người lao động lãnh hàng gia công về làm với giá “bèo bọt”.
Chập choạng tối, chúng tôi ghé xóm trọ trên đường TL16, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM. Nhiều gia đình lao động đang ăn tối, xem ti vi nhưng cũng có nhiều người miệt mài làm thêm với công việc may gia công quần áo, làm dây kéo…
Trong căn phòng lờ mờ tối, vợ chồng chị Lê Thị Khái, quê Bình Định đang làm dây khóa kéo với tiền công 40 đồng/cái. Mỗi ngày, chị Khái làm được khoảng 1.000 cái, nhận được 40.000 đồng. Mấy tháng gần đây, chồng chị bị mất việc và ở nhà làm cùng vợ.
Chị Khái chép miệng: “Vợ chồng tôi cũng muốn có công việc ổn định, thu nhập tốt hoặc lãnh mối hàng gia công giá cao nhưng tìm mãi không ra. Thôi thì đành hài lòng với công việc hiện tại”. Cả gia đình chị đang sống nhờ vào khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp của chồng.
Còn tại một xóm trọ trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM, chúng tôi gặp rất nhiều công nhân mất việc, thiếu việc làm của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Cuộc sống khó khăn trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều người làm thêm đủ nghề.
Rời Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sau 15 năm gắn bó, với khoản trợ cấp của công ty, chị Hồ Thị Kim (43 tuổi, quê Cần Thơ) mua một chiếc máy may để lãnh hàng gia công tại nhà. Những lúc hàng ổn định, mỗi ngày chị kiếm được từ 70.000 – 100.000 đồng. Chị còn nhận sửa quần áo cho bà con trong xóm. Tuy nhiên, thu nhập từ 2 công việc trên vẫn không đủ để chị trang trải chi phí sinh hoạt cho 3 mẹ con. Mới đây, chị làm thêm công việc xếp áo mưa và giữ trẻ tại nhà.
“Vẫn biết công việc trước mắt không ổn định nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Gắng gượng cũng chỉ vì mấy đứa nhỏ” – chị Kim cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, chủ khu trọ 85 Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, cho hay khi kinh tế khó khăn, rất nhiều lao động mất việc hoặc công nhân nhà máy đang đi làm cũng cần việc làm thêm. Vì thế, hàng gia công giá nào họ cũng làm. Như việc xếp áo mưa 1.000 cái được 100.000 đồng. Mỗi ngày, mỗi người cũng chỉ làm được 1.000 cái. Nhưng hàng cũng không có thường xuyên nên bị “ép giá” họ vẫn nhận.
“Thấy nhiều người lao động trong xóm trọ nhận hàng gia công giá quá thấp, làm quần quật cả ngày mà tiền công chưa đến 100.000 đồng, tôi cũng thấy xót. Tôi đang tìm nguồn hàng giá tốt để thu nhập mọi người tăng thêm một chút”- bà Hồng cho hay.