(NLĐO) – Ngoài đề xuất bổ sung đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn đề xuất bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 8 chương và 145 điều. Trong đó có những đề xuất mới liên quan đến chính sách để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Đáng chú ý, có nội dung mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.
Bổ sung đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài
Theo đó, đối tượng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung vay vốn đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước, về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Đề cập nội dung này trong tờ trình xây dựng Luật, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết mặc dù Luật Việc làm 2013 đã có các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, nhưng hiện nay, điều kiện kinh tế – xã hội đã có nhiều thay đổi. Do đó, các chính sách đã không còn phù hợp và phát huy được hiệu quả.
Luật Việc làm hiện hành quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động gồm: người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng.
Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trên thực tế một số nhóm đối tượng khác như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, và các đối tượng lao động khác chưa được quy định, hoặc theo quy định của từng địa phương. Chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.
Mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương đã ký các thỏa thuận đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, theo hình thức thời vụ. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quy định cụ thể trong Luật, nên nhiều lao động cũng chưa được tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên các đối tượng sau: Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; người lao động là thân nhân người có công với cách mạng; người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Người lao động có đất thu hồi; người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế – quốc phòng.
Bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm
Bên cạnh hỗ trợ về vay vốn cho nhóm đi làm việc ở nước ngoài, lần này, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trong nước.
Theo đó, hiện nay, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm bao gồm: Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động; Nguồn địa phương uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Tuy nhiên, trong Luật Việc làm năm 2013 chỉ có các quy định về Quỹ quốc gia về việc làm. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm chủ yếu đến từ 2 nguồn, là nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn này chiếm tỷ trọng lớn nhất, có xu hướng ngày càng tăng (nguồn thông qua cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất) nhưng mới được quy định ở văn bản dưới Luật. Nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện chưa có quy định cụ thể nên nhiều địa phương gặp khó khăn khi ủy thác.
Trước thực tế này, Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, bao gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đồng thời, bổ sung quy định Hội đồng nhân dân các cấp bố trí vốn ngân sách địa phương, như vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác…, giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay giải quyết việc làm.