(Dân trí) – “Đi làm lương tháng 8 triệu đồng thì có nên nghỉ mà chạy xe ôm công nghệ, shipper” là chủ đề đang tạo ra tranh luận trong gen Z. Chuyên gia nói không có việc nhàn mà lương lại cao, hãy nghĩ xa hơn…
Trên một nhóm kín, tài khoản ẩn danh đăng dòng trạng thái gây tranh cãi: “Mở mắt ra là nghĩ đến đi làm lương 8 triệu, vừa gò bó, không đủ tiền tiêu. Đi làm shipper, xe ôm chắc còn kiếm được nhiều hơn…”.
Phía dưới bình luận, các ý kiến bình luận chia sẻ với chủ nhân bài viết và cho rằng hiện nay, nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng ra trường chỉ nhận được mức lương dưới 10 triệu đồng. Chưa kể, nhân sự khi làm những công việc này khá gò bó, khó xin nghỉ phép và không học hỏi được nhiều về chuyên môn. Vậy rốt cuộc, những người này đi làm để làm gì?
Ngược lại, có không ít người cho rằng với người trẻ mới ra trường thì khó có thể có một công việc lương cao nhưng không vì thế mà cho phép mình được nghỉ việc vô cớ. Đi làm không phải chỉ để nhận tiền mà còn là học hỏi, đưa bản thân vào môi trường chuyên nghiệp, từ đó cố gắng trau dồi kinh nghiệm cho tương lai.
Không có nghề nào sướng, tự do mà lương cao
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, nhà sáng lập trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực và hướng nghiệp, cho rằng người trẻ có quyền tranh cãi về chủ đề này.
Tuy nhiên, theo anh, điều thực sự quan trọng là các bạn nên tự hỏi giá trị công việc mà bạn đang tạo ra có thực sự cao hay chỉ dừng lại ở mức ai cũng có thể làm được. Mức lương cao hay thấp sẽ tương ứng với việc bạn khó bị thay thế hay không.
“Nếu bạn đang làm một công việc mà ai cũng có thể làm được thì mức lương được trả trung bình là điều hiển nhiên. Quyết định tiếp tục công việc lương thấp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự hài lòng cá nhân, cơ hội phát triển, và ổn định tài chính”, anh Hòa An nói.
Anh cho rằng người trẻ có thể dựa vào các yếu tố trên để xem xét và đưa ra quyết định phù hợp với mục tiêu và giá trị cá nhân của mình. Khi đánh giá quyết định về công việc, bạn nên xem xét cơ hội phát triển trong lĩnh vực hiện tại, khả năng nâng cao kỹ năng, và tiềm năng tăng lương trong tương lai.
Ngoài ra, bạn cần đánh giá mức độ hài lòng với công việc, môi trường làm việc và cân nhắc đến sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp cũng quan trọng không kém.
Dù có thể gặp khó khăn tài chính, nhưng đôi khi cá nhân cảm nhận được niềm hạnh phúc trong công việc, những kỹ năng mềm mà công việc đem lại là những điều không đo lường bằng tiền bạc.
Trả lời về câu chuyện có nên bỏ việc lương thấp để đi làm xe ôm công nghệ, shipper, tiến sĩ Hòa An kể rằng anh quen một bạn sinh viên mỗi ngày chạy xe ôm công nghệ từ 8 đến 10 tiếng, mỗi tháng có thể kiếm 9-10 triệu đồng (cao hơn mức lương của một tân cử nhân mới ra trường ở TPHCM). Tuy nhiên, bạn sinh viên này nói vì hoàn cảnh, không nhận được chu cấp của cha mẹ nên mới phải “bán sức khỏe” để kiếm tiền như vậy.
Anh cho rằng khi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào, bạn sẽ thường không có cái nhìn đầy đủ về một công việc.
“Đừng nghĩ shipper, tài xế công nghệ là sướng. Hàng ngày, họ phải đối diện với những nguy hiểm do tai nạn giao thông, khói bụi, nắng mưa thất thường của thời tiết. Bất cứ công việc nào đều đòi hỏi chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ chứ tôi nghĩ không có nghề nào là sướng, tự do, mà còn… lương cao cả”, chuyên gia nhấn mạnh.
Hãy cân nhắc công việc làm thêm giúp tích lũy kinh nghiệm
Bên cạnh đó, theo anh, khi sinh viên lựa chọn đi làm thêm, hãy cân nhắc làm thêm để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm chứ không phải chỉ để kiếm tiền.
Chọn công việc làm thêm phải giúp ta tích lũy được kỹ năng, mối quan hệ, trải nghiệm cho công việc chính trong tương lai. Ví dụ, nếu là sinh viên trường sư phạm, bạn hãy chọn làm thêm công việc của một gia sư. Nếu là sinh viên ngành quản trị kinh doanh thì hãy làm công việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm.