Khi được giải tỏa áp lực về việc làm, không khí lao động tại nhà máy càng thêm hăng say, phấn khởi
Sau thời gian bị giảm giờ làm, từ tháng 1-2024, chị Nguyễn Thị Thoa, công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất Thương mại May Hồng Sơn (quận 8, TP HCM), đã được làm 6 ngày/tuần trở lại nhờ doanh nghiệp (DN) nối lại đơn hàng.
Vui vì việc làm ổn định
Chị Thoa cho biết trong năm 2023, do công ty ít đơn hàng nên có nhiều tháng CN phải giãn ca, thu nhập vì thế cũng rất eo hẹp. Chồng chị là thợ hồ, công việc không đều nên thu nhập cũng bấp bênh. Trong khi đó, anh chị đang ở trọ, nuôi con nhỏ, đồng thời hỗ trợ nuôi dưỡng người anh ruột của chồng không may mắc bệnh tâm thần. Chịu quá nhiều áp lực nên chị Thoa rất lo lắng cho tương lai của gia đình.
Cận Tết Nguyên đán 2024, công ty có đơn hàng trở lại nên công việc của chị ổn định hơn, thu nhập cũng được cải thiện. “Khi công ty thiếu đơn hàng, anh em CN động viên nhau bám trụ để chia sẻ khó khăn với DN. Một phần là vì chủ DN rất quan tâm, chăm sóc CN. Tết vừa rồi, chúng tôi vẫn được thưởng 1 tháng lương. Tôi chỉ mong năm 2024, công ty sẽ có đơn hàng đều đặn để NLĐ có đủ việc làm” – chị Thoa kỳ vọng.
Công ty CP Sản xuất giày Khải Hoàn (huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng đã có đơn hàng trở lại sau những nỗ lực đàm phán của ban giám đốc. Ghé thăm nhà máy, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc tất bật, nét mặt của anh chị em CN vô cùng phấn khởi. Trở lại làm việc sau Tết, hay tin đơn hàng công ty đã khởi sắc, được tăng ca khiến niềm vui của chị Trần Thị Hạnh (quê Nam Định) nhân lên gấp bội.
Vợ chồng chị cùng làm tại công ty nên khi DN khó khăn, kinh tế gia đình cũng khó theo. Chị kể vào tháng 9-2023, đơn hàng cạn kiệt, công ty cho một số bộ phận nghỉ luân phiên, giảm giờ làm trong 1 tháng với mức lương hỗ trợ, chồng chị nằm trong diện nghỉ chờ việc, chị may mắn vẫn giữ được việc làm nhưng khoảng thời gian ấy, cuộc sống của gia đình chị bị xáo trộn. Chỉ tính các khoản cố định như tiền nhà trọ, chi phí cho 2 con ăn học, tiền gửi về quê phụng dưỡng ông bà 2 bên mỗi tháng đã tiêu tốn của anh chị hơn 8 triệu đồng.
Với nhiều khoản phải chi như vậy thì kể cả khi vợ chồng cùng đi làm cũng không có dư, huống hồ lúc ấy 2 lao động chính chỉ còn một người gánh vác. Điều đáng mừng là thời gian khó khăn ấy không kéo dài. “Công ty tìm được đơn hàng, người lao động (NLĐ) cũng vui lây. Tết vừa rồi, toàn thể NLĐ đều được DN tri ân bằng 1 tháng lương thực lãnh. Nay còn được tăng ca, ai cũng mừng” – chị Hạnh bày tỏ.
Duy trì chế độ đãi ngộ
Tin vui cũng đến với 1.100 lao động tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận; quận 7, TP HCM) sau gần nửa năm đối diện với khó khăn. Đó là từ tháng 3, họ sẽ không phải giảm giờ làm trong tuần.
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết sau khi nghe ban giám đốc thông báo về việc có đơn hàng, tất thảy CN đều phấn khởi. Từ tháng 9-2023, do khan hiếm đơn hàng nên công ty buộc phải sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, bố trí cho CN nghỉ việc luân phiên suốt 6 tháng qua dẫn đến thu nhập giảm sút đáng kể.
Ban giám đốc và Công đoàn đã cố gắng thương lượng để hỗ trợ lương chờ việc cho CN. Cụ thể, khi nghỉ chờ việc, CN được hưởng 50% lương cơ bản (không thấp hơn lương tối thiểu vùng). Các khoản phụ cấp, tiền thưởng của NLĐ cũng được giữ nguyên. Ngược lại, Công đoàn cũng phân tích tình hình để NLĐ hiểu và sẻ chia với DN. Sau kỳ nghỉ Tết, trên 90% CN đã trở lại làm việc.
Tương tự, đã nối lại được đơn hàng nên từ đầu tháng 3, hầu hết CN của Công ty TNHH Phát triển thương mại Tuyết Hạnh (quận Gò Vấp, TP HCM) đã được ban giám đốc mời trở lại làm việc. Trước Tết nguyên đán, do bị “đứt” đơn hàng nên công ty quyết định cho CN nghỉ Tết dài ngày. Sau những nỗ lực đàm phán, DN đã chốt lại được một số đơn hàng tại thị trường Nhật Bản.
Vì vậy, từ ngày 19-2, số ít bộ phận đã nhận được thông báo trở lại để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất. Đến gần cuối tháng 2 thì có 50% CN quay lại nhà máy để khởi động quy trình sản xuất. Số còn lại sẽ đi làm từ tháng 3. Đại diện Công đoàn công ty cho biết tình trạng khó khăn của DN bắt đầu từ thời điểm dịch bệnh và kéo dài cho tới nay dù cũng có những thời điểm khởi sắc. Trong tình thế đó, NLĐ và DN luôn thấu hiểu và đồng hành để vượt qua.
“Hầu hết CN còn ở lại đều có thời gian gắn bó lâu năm, ban giám đốc cũng rất muốn tạo điều kiện để họ có thể làm việc lâu dài cho tới lúc nghỉ hưu. Tết Nguyên đán vừa qua, dù khó khăn không ít nhưng ban giám đốc vẫn có thưởng Tết cho anh em. Vì vậy, họ đều mong chờ thông báo ngày trở lại làm việc” – đại diện Công đoàn công ty cho biết.
Trong hơn 1.000 CN đang làm việc tại công ty, có đến 500 lao động tuổi từ 35 trở lên, cơ hội tìm việc giảm dần. Vì vậy, họ mong có việc làm ổn định trở lại và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN. Đó là lý do dù đối diện nhiều thách thức, DN vẫn cố xoay xở để giữ việc làm cho CN” – ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam, cho biết.