(NLĐO) – Bên cạnh kỳ vọng được tăng lương, giáo viên cũng lo lắng bị cắt thâm niên khi cải cách tiền lương.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm:
Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương/năm, không bao gồm phụ cấp).
Điểm mới nhận được sự quan tâm của đợt cải cách tiền lương này là sắp xếp lại chế độ phụ cấp, trong đó sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu).
Với nhiều giáo viên, việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ giúp giáo viên có mức lương ổn định hơn. Tuy nhiên, những người có thâm niên công tác cũng bày tỏ băn khoăn, tiếc nuối khi phụ cấp thâm niên nghề bị bãi bỏ.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, cô Đặng Huy Lam, giáo viên Trường PTTH Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP HCM) bày tỏ: “Tôi có 33 năm giảng dạy nên hiểu rõ ý nghĩa của phụ cấp thâm niên nghề đối với các thầy cô giáo. Đó là sự ghi nhận cho những năm gắn bó với học sinh, cống hiến cho giáo dục nước nhà. Mức phụ cấp thâm của tôi hiện là 29%, tương ứng với khoảng 3 triệu đồng một tháng. Nếu bị cắt đi thì thực sự thiệt thòi”.
Cùng trăn trở về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức, TP HCM) cho rằng, việc cắt bỏ thâm niên đối với nhà giáo là điều khá tiếc nuối. Nữ giáo viên và đồng nghiệp mong có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo cô Hồng, khi nhận thông tin về đợt cải cách tiền lương năm 2024 rất nhiều người cảm thấy hào hứng dù chưa biết chính xác lương sẽ tăng lên bao nhiêu. Với đặc thù nghề nghiệp của giáo viên, họ lại càng mong chờ vào đợt cải cách này sẽ giúp cải thiện mức lương.
“Tuy nhiên, nếu cắt thâm niên nghề thì có thể mức lương của những người công tác lâu năm sẽ bằng với giáo viên mới ra trường. Những thầy cô có trên 30 năm đi dạy, nếu bị cắt phụ cấp thâm niên sẽ hụt hẫng. Phụ cấp thâm niên không chỉ là một khoản thu nhập mà còn là ghi nhận sự đóng góp của thầy cô” – cô Hồng trăn trở.
Cô Hồng đã có 18 năm cống hiến cho ngành giáo dục, phụ cấp thâm niên hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này vừa phụ giúp cô chi tiêu trong cuộc sống, cũng là sự ghi nhận đối với quá trình làm nghề. Vậy nên, cô kỳ vọng khi thực hiện cải cách tiền lương, chế độ lương thưởng, phụ cấp sẽ được điều chỉnh phù hợp để giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
8 khoản phụ cấp giáo viên có thể được nhận từ 1-7-2024 bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp theo nghề; Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.