Theo TTXVN
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cho biết đang tiến hành rà soát và lên kế hoạch hoàn thành cải tiến hệ thống cấp phép lao động trong khoảng tháng 12 năm sau.
Nhân kỷ niệm 20 năm (2004-2024) Hàn Quốc triển khai Hệ thống giấy phép lao động (EPS) cấp thị thực E-9 (thị thực làm việc không chuyên nghiệp) cho đối tượng lao động phổ thông, Ủy ban Chống Tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc (ACRC) vừa nêu khuyến nghị Bộ Việc làm và Lao động về cải thiện chương trình EPS.
Bộ Việc làm và Lao động cho biết đang tiến hành rà soát và lên kế hoạch hoàn thành cải tiến hệ thống cấp phép lao động trong khoảng tháng 12 năm sau.
Hệ thống EPS được triển khai nhằm ứng phó với tình trạng thiếu lao động ở Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng liên quan đến việc suy giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số. Đây là hệ thống cho phép các doanh nghiệp trong nước không có khả năng thuê lao động Hàn Quốc có thể thuê người nước ngoài không chuyên nghiệp bằng cách xin giấy phép chính phủ cho tuyển dụng lao động nước ngoài.Tuy nhiên, do tình trạng thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng gần đây nên số lượng lao động nước ngoài được tuyển dụng đang tăng lên đáng kể.
Số lượng lao động được cấp phép theo chương trình EPS đang tăng đáng kể qua các năm. Đáng chú ý năm 2023, số lượng lao động nước ngoài tăng lên đáng kể, đặc biệt là cho lĩnh vực đóng tàu. Số lượng lao động E-9 được cấp phép đã tăng từ 70.000 trong năm 2022 lên 120.000 người năm 2023 và năm nay hạn ngạch được công bố cho lao động EPS đạt mức kỷ lục 165.000.
Cùng với việc tăng số lượng, Hàn Quốc cũng mở rộng lĩnh vực. Năm nay, Hàn Quốc lần đầu tiên cho phép lao động E-9 được làm việc cho các ngành nhà hàng, thực phẩm, khai thác mỏ và lâm nghiệp.
Do hệ thống cấp phép lao động EPS luôn hạn chế sử dụng lao động nước ngoài mà không xâm phạm cơ hội việc làm cho người Hàn Quốc, nên hệ thống này được vận hành thông qua các quy định và quản lý nghiêm ngặt, dẫn đến sự gia tăng các khiếu nại liên quan.
Các khiếu nại dân sự liên quan đến EPS như thay đổi nơi làm việc, tái tuyển dụng (gia hạn) và các điều khoản đặc biệt để tái nhập cảnh, đã tăng gần gấp đôi trong hai năm từ 122 vào năm 2020 lên 236 vào năm 2022 và tính đến tháng 8-2023 đã có 273 trường hợp.