(Dân trí) – Tin vào lời mời gọi trên mạng xã hội, nhiều cô gái vùng cao Quảng Ngãi rời làng xuống phố với mong ước sẽ có việc làm ổn định. Thế nhưng, chờ đợi họ là những cạm bẫy được giăng sẵn.
Em Phạm Thị Hoa (15 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo của huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi. Đời sống khó khăn, Hoa luôn mơ một ngày có thể kiếm được việc làm ổn định nơi phố thị.
Đầu năm 2024, thông qua mạng xã hội, Hoa tìm được việc làm tại một shop giày tận thành phố Hà Nội. “Chủ shop giày” cho biết Hoa sẽ nhận được mức lương lên đến 20 triệu đồng/tháng.
Dù Hà Hội cách quê nhà gần 1.000km nhưng mức lương quá hấp dẫn khiến em quyết định rời làng. Hoa tưởng đã tìm được việc làm ổn định, tuy nhiên điều chờ đợi em lại là cái bẫy được giăng sẵn.
Khăn gói ra Hà Nội, Hoa bị các đối tượng lạ mặt lừa đưa đến một cơ sở karaoke. Tại đây, em bị ép làm tiếp viên trong phòng hát. Chủ cơ sở karaoke chi tiền cho Hoa mua quần áo, son phấn nhưng số tiền này được tính lãi suất cao và cộng dồn hàng tháng.
Biết mình bị lừa, Hoa tìm cách trở về nhà nhưng bị chủ yêu cầu phải trả hết khoản tiền “khủng” đã nợ. Hằng ngày, số tiền khách boa cho Hoa cũng bị chủ đe dọa, chiếm đoạt nên cô càng ngày càng tuyệt vọng.
Sau một thời gian sống trong sợ hãi, Hoa tìm cách liên lạc về nhà cầu cứu. Nghe tin con bị lừa, gia đình cố gắng gom góp tiền nhờ người quen đến giải Hoa.
Bốn ngày trước, Hoa đã được đưa về nhà. Sự việc được gia đình trình báo công an.
Giống như Hoa, em Phạm Thị Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) vừa được Công an xã Ba Giang (huyện Ba Tơ) giải cứu thành công.
Ở tuổi 18, Nam cũng muốn xuống phố tìm việc. Qua mạng xã hội, Nam được một phụ nữ nhận vào làm phụ bếp tại thành phố Quảng Ngãi với mức lương khá.
Người này cho xe đến đón, Nam tưởng có được công việc ổn định nên đồng ý lên xe. Tuy nhiên, xe không dừng tại thành phố Quảng Ngãi mà chạy đến huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).
Tại đây, Nam được đưa vào một quán karaoke, massage. Cô gái người dân tộc Hrê bị bắt làm tiếp viên.
Biết mình bị lừa, Nam phản ứng thì bị khống chế, thu điện thoại di động. Chủ nhà trọ nói đã làm hợp đồng thuê Nam với giá 15 triệu đồng nên em phải làm việc để trả nợ. Tại nơi làm việc, Nam không được ra ngoài, chỉ được gọi điện thoại khi có người giám sát.
Tranh thủ lúc chủ không để ý, Nam dùng điện thoại đăng nhập tài khoản facebook cá nhân, nhắn tin và gửi định vị cho công an để cầu cứu. Tiếp nhận tin báo, Công an xã Ba Giang liên hệ với Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu, đưa Nam về nhà an toàn.
Thời gian qua, nhiều cô gái ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi sập bẫy của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Qua sự việc, Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo các thiếu nữ cảnh giác trước thủ đoạn tuyển dụng việc nhẹ, lương cao.
Người lao động cần nâng cao cảnh giác với thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu tìm việc cần liên hệ với chính quyền địa phương, hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với những trường hợp nghi vấn bị lừa đảo cần trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ.