Thảo Ly
GDVN- Tùy vào trình độ và kinh nghiệm của sinh viên, công ty sẽ có hướng đào tạo phù hợp với thời gian ít nhất là 3 tháng.
Nhu cầu nhân lực hiện nay của ngành Kiểm toán rất lớn, song, bài toán đặt ra khi nhiều công ty, đơn vị kiểm toán vẫn phải tổ chức đào tạo lại cho sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và phù hợp với văn hóa công ty.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Ngọc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kế toán – Kiểm toán Nhân tài Việt cho biết, trong quá trình tuyển dụng, sinh viên được đánh giá cao về kiến thức xã hội khi tiếp cận và hòa nhập nhanh với sự phát triển của công nghệ thông tin so với thế hệ trước.
“Xét về khía cạnh kiến thức chuyên môn, đa phần các bạn đều nắm được kiến thức nền tảng về ngành Kiểm toán, tuy nhiên để đạt hiệu quả và thực chiến tại công ty, việc đào tạo sinh viên là điều tất yếu. Bởi khoảng cách giữa kiến thức trên sách vở với thực tiễn còn cách xa nhau. Nhà trường có vai trò cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên, công ty sẽ giúp nâng cao kỹ năng thực hành để đáp ứng yêu cầu công việc. Do các quy định ở nước ta luôn thay đổi và cập nhật liên tục với chuẩn mực quốc tế đồng nghĩa với việc công ty sẽ cập nhật để quá trình thẩm định chứng từ được đảm bảo.
Ngoài ra, các kiến thức tại học phần mà sinh viên học đều khá rời rạc và chưa có sự liên kết, thông qua hoạt động đào tạo tại công ty, sinh viên sẽ nắm chắc được kiến thức, hình dung công việc, những hoạt động của một trợ lý kiểm toán hoặc một kiểm toán viên phải thực hiện.
Tùy vào trình độ và kinh nghiệm mà sinh viên hiện có, công ty sẽ có hướng đào tạo phù hợp với thời gian ít nhất là 3 tháng. Các công ty, doanh nghiệp chấp nhận đầu tư chi phí, thời gian để đào tạo các bạn trước khi bước vào môi trường thực chiến.”, Thạc sĩ Trần Ngọc Khánh nói.
Thạc sĩ Trần Ngọc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kế toán – Kiểm toán Nhân tài Việt (Ảnh: NVCC) |
Theo ông Khánh, do đặc thù lĩnh vực kinh tế đặc biệt là ngành Kế toán – Kiểm toán, không chỉ riêng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kế toán – Kiểm toán Nhân tài Việt thực hiện hoạt động đào tạo sau tuyển dụng mà nhiều đơn vị cũng thực hiện hoạt động đào tạo này. Theo đánh giá, sinh viên sau đào tạo gần như đáp ứng được điều kiện làm việc.
Đồng thời, vị này cũng nêu vai trò và tầm quan trọng của tiếng Anh đối với ngành Kiểm toán hiện nay. Ông Khánh chia sẻ: “Đối với ngành Kiểm toán, sinh viên bắt buộc phải có nền tảng tiếng Anh do công việc của trợ lý kiểm toán hay kiểm toán viên là trao đổi, tương tác và làm việc với hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc tiếng Anh là công cụ giúp chúng ta phát triển và dễ dàng tiếp cận với đối tác, doanh nghiệp trong quá trình làm việc. Trong trường hợp sinh viên hạn chế về sử dụng tiếng Anh có thể lựa chọn công việc kế toán, thuế,… để làm việc”.
Bên cạnh đó, ông Khánh thông tin, sinh viên làm việc tại công ty sau khi tốt nghiệp cần trau dồi thêm kiến thức về kỹ năng mềm như kỹ năng viết đơn xin việc; giao tiếp; thuyết trình,…
Đề cập đến nhu cầu nguồn nhân lực ngành này, Thạc sĩ Trần Ngọc Khánh nhận định: “Theo quan điểm cá nhân, từ xưa đến nay, ngành Kiểm toán chưa bao giờ bị mai một, người làm ngành này chưa bị đào thải hay bị thay thế bởi robot.
Mặt khác, hầu hết các công ty, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán nhằm minh bạch số liệu, chứng từ. Chính vì vậy, nguồn nhân lực ngành Kiểm toán luôn luôn phát triển, tiệm cận với định hướng chuẩn mực kế toán quốc tế.
Đồng nghĩa với cơ hội việc làm của sinh viên theo ngành Kiểm toán là rất lớn. Các bạn có thể làm việc tại các tổ chức tài chính ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan kiểm toán nhà nước và công ty kiểm toán,…”.
Còn bà Võ Châu Ý Nhi – trợ lý kiểm toán Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hãng kiểm toán AASC cho hay, làm việc tại ngành Kiểm toán, sinh viên có cơ hội phát triển kỹ năng mềm, có cơ hội thăng tiến, làm việc tại các tập đoàn toàn cầu về kiểm toán . Bà Võ Châu Ý Nhi cũng chia sẻ rằng: “Bên cạnh thời gian học tập trên trường, sinh viên nên tham gia vào các diễn đàn, hội thảo để lắng nghe chia sẻ của những người có nhiều năm kinh nghiệm về ngành Kiểm toán, cơ hội việc làm.
Việc thực hành ngành này ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường là một điều khó khăn khi hiện nay các công ty kiểm toán thường bảo mật các hồ sơ, chứng từ. Song, sinh viên có thể tìm hiểu và nghiên cứu thủ tục, giấy tờ của Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề để hình dung rõ hơn về công việc mà mình sẽ phải thực hiện khi bước vào con đường này.
Chưa kể, trong môi trường thực tế, mỗi đơn vị kiểm toán sẽ có yêu cầu và cần có quá trình xử lý thông tin, số liệu khác nhau. Để không bị choáng ngợp khi làm việc tại môi trường chuyên nghiệp, ngoài chuẩn bị tốt kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm, sinh viên cần chủ động, mạnh dạn học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp giúp thích ứng với môi trường làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, khả năng tự học, tìm tự hiểu vẫn là yếu tố quan trọng giúp sinh viên có thể làm việc tốt tại các công ty kiểm toán.
Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Trần Ngọc Khánh chia sẻ rằng: “Sinh viên cần nâng cao kỹ năng giao tiếp như kết nối, tương tác với giảng viên, tham gia câu lạc bộ – nơi giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ, học hỏi và tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm từ công ty, doanh nghiệp.
Đồng thời, việc trau dồi và rèn luyện kỹ năng để thích ứng tốt với môi trường làm việc chuyên nghiệp thông qua trang phục, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm,… là yếu tố không thể thiếu”.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-kiem-toan-co-hoi-viec-lam-ra-sao-post239985.gd