Huỳnh Như
(NLĐO) – Tổ chức, doanh nghiệp rà soát và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại đơn vị.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM vừa có công văn gửi đến các tổ chức, doanh nghiệp hiện có sử dụng lao động là người nước ngoài lưu ý một số quy định mới về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý và xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:
1. Thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18-9-2023 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Điều 4 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1-1-2024, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB-XH (Cục Việc làm) hoặc Cổng Thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với bộ hoặc Sở LĐ-TB-XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
2. Sử dụng, quản lý người lao động nước ngoài
2.1 Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động:
– Đối với vị trí công việc nhà quản lý, giám đốc điều hành: Tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm xác định đúng tình hình thực tế hoạt động tại đơn vị và căn cứ vào điều lệ công ty hoặc quy chế tổ chức hoạt động để cung cấp các tài liệu chứng minh đáp ứng với vị trí công việc theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18-9-2023 sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
– Đối với vị trí công việc chuyên gia, lao động kỹ thuật: Tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu chứng minh trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc đối với các vị trí công việc có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo đúng nội dung đã ghi nhận trong báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động; tránh trường hợp hồ sơ không được tiếp nhận giải quyết do không cung cấp đúng văn bằng, giấy chứng nhận đào tạo, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc theo nội dung đã giải trình.
2.2 Thực hiện giao kết hợp đồng lao động
Trong thời gian qua còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 18 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về gửi hợp đồng lao động đã ký kết tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó, trong đó: thời gian làm việc, vị trí công việc, chức danh công việc, địa điểm làm việc ghi trên hợp đồng lao động phải đúng thông tin trên giấy phép lao động. Đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp rà soát và thực hiện bổ sung các nội dung chưa đúng quy định để tránh trường hợp giấy phép hết hiệu lực theo Điều 156 Bộ Luật Lao động 2019.
2.3 Thu hồi giấy phép lao động
– Người sử dụng lao động thực hiện thu hồi giấy phép lao động đối với các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực và nộp lại Bộ hoặc Sở LĐ-TB-XH đã cấp giấy phép lao động đó kèm theo văn bản nêu rõ lý do thu hồi, trường hợp thuộc diện thu hồi nhưng không thu hồi được quy định tại khoản 1, Điều 21 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.
– Tổ chức, doanh nghiệp cần chú ý, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nộp lại giấy phép lao động, cần liên hệ Sở LĐ-TB-XH để nhận văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động và lưu giữ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.
2.4 Thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài 6 tháng và cả năm
Tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện báo cáo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và mẫu báo cáo quy định tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ không tiếp nhận báo cáo sau thời gian quy định để phục vụ công tác tổng hợp và báo cáo về Bộ LĐ-TB-XH theo đúng quy định.
2.5 Tham gia BHXH
Tại khoản 1, Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15-10-2018 của Chính phủ quy định đối tượng người lao động là công dân nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động và hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Đề nghị tổ chức, doanh nghiệp rà soát và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại đơn vị.
2.6 Lưu giữ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến người lao động nước ngoài
Tổ chức, doanh nghiệp cần quan tâm lưu giữ văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài do Bộ hoặc Sở LĐ-TB-XH cấp, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động để phục vụ cho công tác quản lý nhân sự và thực hiện các hồ sơ có liên quan đến người lao động nước ngoài. Các tập tin tài liệu điện tử (bản scan) được lưu giữ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP HCM. Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp cần tra cứu thông tin có thể truy cập vào hệ thống để tìm kiếm các thông tin của người lao động nước ngoài đã nộp trước đó. Do đó đơn vị cần trực tiếp tạo lập tài khoản đăng nhập hệ thống để có sự chủ động trong việc tra cứu thông tin.
3. Quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lao động nước ngoài
Cần nghiên cứu các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 32 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh việc thực hiện không đúng quy định khi sử dụng người lao động nước ngoài.
Nguồn: Tại đây