(NLĐO) – Trên lập trường của người quản lý, họ không muốn nhân viên của mình nhận thêm việc sau giờ làm là do sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên và hiệu suất công việc.
Ngày nay, việc người lao động nhận thêm công việc khác ngoài công việc chính không còn quá xa lạ. Nguyên nhân chính là họ muốn tăng thu nhập và mở rộng quan hệ.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến cho sếp của bạn cảm thấy không hài lòng và có một số doanh nghiệp, tổ chức yêu cầu người lao động không được nhận thêm việc sau giờ làm nếu không họ sẽ bị kỷ luật hay thậm chí bị đuổi việc.
Theo VietnamWorks, nếu đứng trên lập trường của doanh nghiệp hay người quản lý, họ không muốn nhân viên của mình nhận thêm việc là do sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên và cả hiệu suất để hoàn thành công việc chính.
Ngoài ra, họ còn lo lắng vấn đề bảo mật trong công việc như bí mật kinh doanh của công ty. Điều này cũng không thể trách doanh nghiệp, bởi cũng có rất nhiều trường hợp bí mật kinh doanh được tiết lộ bởi chính nhân viên của mình nên việc họ lo lắng cũng là chuyện hiển nhiên. Vậy, người lao động bị cấm làm thêm công việc khác sau giờ làm có đúng không?
Theo Pháp luật
Trước tiên để kết luận việc làm thêm công việc khác sau giờ làm việc là sai, cần phải xét trên Luật Lao động. Dựa vào quy định tại Điều 5 Luật Lao động 2019, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc miễn không trái với quy định của pháp luật.
Vậy nên, ta có thể thấy được người lao động được quyền làm thêm công việc khác ngoài công việc chính, nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng tới kết quả của công việc chính.
Tuy nhiên, công ty vẫn có quyền cấm người lao động làm thêm việc khác khi cả hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động, căn cứ vào Điều 23 Bộ Luật lao động 2019.
Vậy nên, người lao động căn cứ vào quy định trong hợp đồng lao động để biết mình có thể thêm các công việc khác hay không. Nếu như hợp đồng lao động không có điều khoản quy định về việc không được phép nhận việc khác ngoài công việc chính thì công ty không có quyền trong việc cấm và không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đặc biệt, khi người sử dụng lao động – tức là doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Lao động 2019.
Tại sao sếp không thích nhân viên nhận thêm công việc khác?
Sau khi tìm hiểu về pháp luật, ta có thể biết được người sử dụng lao động không có quyền cấm người lao động nhận thêm công việc khác ngoài công việc chính, trừ khi có điều khoản quy định về việc cấm nhận thêm công việc trong hợp đồng lao động. Tất nhiên, chúng ta cũng cần đứng ở góc độ của sếp, ta cũng có thể hiểu được lý do tại sao sếp không muốn nhân viên đi làm thêm ngoài giờ.
Thứ nhất, công việc làm thêm có thể nguyên nhân khiến nhân viên không thể tập trung vào công việc chính, người lao động có thể bị xao nhãng, mất tập trung vào những nhiệm vụ. Sếp luôn mong nhân viên của mình cống hiến hết mình cho công việc, chưa kể một số công việc có yêu cầu về thời gian và trí tuệ của nhân viên.
Dù bạn có thể sắp xếp công việc một cách thật tốt, nhưng vẫn không thể đảm bảo cho việc bạn có tận tâm với công việc chính hay không. Do đó, cũng có khá nhiều sếp sẵn sàng tăng lương cho nhân viên hay các khoản tiền thưởng nhằm khuyến khích nhân viên tập trung vào công việc.
Thứ hai, khó ai có thể tập trung toàn bộ năng lượng vào công việc, nếu như bạn không biết cách lên kế hoạch, sắp xếp thời gian hợp lý thì công việc ngoài giờ sẽ khiến bạn kiệt sức và ảnh hưởng đến toàn bộ chất lượng kết quả của cả hai công việc. Không chỉ bị “burn out”, nhân viên có thể bị mệt mỏi vì ôm đồm quá nhiều công việc một lúc, tinh thần luôn uể oải, sức khỏe ngày càng sa sút.
Cuối cùng, công việc làm thêm có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn công việc chính nhưng điều này lại là điểm khiến sếp không hài lòng với bạn. Thậm chí, khi biết được nhân viên mình tin tưởng có một công việc riêng, họ có thể rút lại kế hoạch phát triển sự nghiệp với nhân viên này, thay vào đó, họ sẽ tìm cách khuyên nhân viên tiến tới công việc thêm ngoài giờ kia.
Bên cạnh đó, sếp có thể cho rằng nhân viên đó là không đáng tin cậy, sếp không tin tưởng vào mức độ gắn bó của họ ở công ty, doanh nghiệp đang làm việc vì nhân viên mải mê làm thêm mà bỏ qua công việc chính.
Làm thế nào nếu như sếp biết được nhân viên làm thêm?
Tuy doanh nghiệp, tổ chức không có quy định về vấn đề việc làm thêm của nhân viên nhưng điều bạn cần biết đó chính là có thể sếp không hài lòng về tin tức nhân viên của mình làm thêm ngoài giờ. Sẽ không vui vẻ gì nếu như bản thân lại trở thành nhân viên bị sếp ghim, vì vậy bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây để cải thiện tình hình này:
Ưu tiên công việc chính: Bạn nên dành hết thời gian, công sức để hoàn thành công việc hiện tại một cách nghiêm túc trong thời gian làm việc tại công ty, hãy giao cho sếp đúng ngày. Cùng với đó, bạn không được làm cẩu thả, bạn cần đảm bảo cả thái độ làm việc của mình phải chuẩn chỉnh, nếp nếp. Để đảm bảo với sếp rằng bạn sẽ không để công việc phụ ảnh hưởng tới công việc chính.
Cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và công việc: Bạn tập trung vào việc hoàn thành tốt các công việc là điều tốt, nhưng nếu bạn dành toàn bộ thời gian cho công việc, cơ thể của bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, đầu óc của bạn sẽ cạn kiệt ý tưởng, những nhiệt huyết lúc đầu sẽ ngày càng bị mài mòn. Không chỉ thế, bạn còn có thể bỏ lỡ thời gian dành cho bản thân, gia đình và bạn bè. Vì thế, hãy đảm bảo được việc bạn cân bằng được cuộc sống riêng tư và công việc, chỉ có vậy, bạn mới được đánh giá là nhân viên tốt.
Trao đổi với sếp về tiền lương: Hầu hết nhân viên làm thêm việc đều có nguyện vọng gia tăng thu nhập, nhưng nếu như làm thêm việc cũng không thể giúp bạn tăng thêm thu nhập, bạn còn mất thời gian và sức khỏe. Điều này bạn cần phải suy xét, có một biện pháp bạn có thể xét tới, đó là trao đổi với sếp về vấn đề này. Sếp sẽ cân nhắc để điều chỉnh mức lương để bạn có thể tập trung vào công việc tốt hơn.