Làm sao để yêu công việc của mình?
Cuộc sống công sở vốn muôn hình vạn trạng, nhưng nó cũng tồn tại những quy luật để giúp bạn thành công. Hãy cùng VIECVUI tìm hiểu bí quyết làm sao để yêu công việc của mình nhé!
Đừng ngại để “thiên hạ” được chiêm ngưỡng kiến thức chuyên môn của bạn
Khiêm tốn luôn là một phẩm chất tốt, nhưng đừng quá khiêm tốn nhé. Khi đồng nghiệp của bạn cần đến nhà chuyên môn là bạn, đừng ngại chia sẻ kiến thức của mình một cách cởi mở và nhiệt tình. Hãy luôn đóng vai trò “chuyên gia thân thiện” mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, khi bạn cần thuyết phục ai đó bằng kiến thức của bạn, hãy hạn chế những cụm tránh gây cảm giác thiếu chắc chắn như “Tôi nghĩ rằng…”, “Có lẽ…”, “Tôi thấy…”… Tuy những từ trên sẽ cho người đối diện cảm giác dễ chịu, thân thiện, nhưng nó cũng hạ thấp một phần sự quyết đoán của bạn trong lời nói bạn đưa ra.
Phát biểu lên những kiến thức của bạn, vừa giúp chứng tỏ được khả năng của bạn trong công việc, vừa giúp bạn nhận lại những phản hồi từ đồng nghiệp của mình. Từ đó sẽ tạo nên sự đối thoại và củng cố cả về kiến thức lẫn mối quan hệ trong công việc.
Hãy đơn giản công việc của bạn bằng những mối quan hệ trong công ty
Không ai có thể làm việc một mình được. Bạn cần sự hỗ trợ không ít thì nhiều từ những người khác. Nên bạn đừng xem thường một mối quan hệ nào, vì đó rất có thể là một mắt xích quan trọng cho công việc của bạn sau này.
Đừng bỏ lỡ dịp tạo những mối quan hệ trong công ty qua những giờ ăn trưa, những buổi café hoặc các dịp tâm sự mỏng. Đừng ngại giúp đỡ người khác nếu có thể, vì bạn không biết bao giờ mình cần lại sự giúp đỡ của người đó.
Hãy đứng lên tại chỗ mà bạn vấp ngã
Vấp ngã là điều khó tránh khỏi trong công việc. Nếu may mắn, bạn có thể qua ải mà chỉ phải nghe vài lời nhắc nhở nhẹ nhàng, nặng nề hơn thì có thể đóng cửa họp riêng với sếp. Dù là gì đi nữa, điều quan trọng bạn cần ghi nhớ đó là hãy đứng lên ngay chỗ bạn vấp ngã.
Hãy biết ơn những lỗi lầm của mình. Đừng vì ngại đồng nghiệp mà tìm cách biện minh, ngó lơ những lỗi lầm của mình, vì chúng là tiền đề cho chính sự phát triển của bạn. Nếu không thất bại, thì bạn chẳng có bài học gì để rút ra đâu.
Phản hồi nhanh chóng mọi “tiếng gọi” của đồng nghiệp
Bất cứ một lời chào, một câu nhờ vả hoặc một tin nhắn nào đó đến, hãy trả lời chúng. Nếu đang bận gì đó, hãy để lại lời nhắn rằng bạn sẽ trả lời sau. Và hãy chắc chắn bạn sẽ trả lời ngay sau đó.
Nếu bạn từ chối trả lời đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai, thì họ sẽ dần không còn muốn nhắn hỏi bạn gì nữa. Và họ cũng sẽ chẳng buồn đáp lại bất cứ gì cho bạn. Nó sẽ đối lập lại với mục tiêu “Đơn giản công việc của bạn bằng những mối quan hệ trong công ty”.
Nếu bạn là người ít nói, không muốn trả lời những gì không liên quan bản thân, thì hãy luyện tập nhé. Hãy tập thói quen trả lời nhanh chóng và chân thành từng “tiếng gọi” của đồng nghiệp, rồi bạn sẽ thấy sự thay đổi trong quan hệ cũng như cảm hứng khi đi làm.
Khen ngợi và phê bình một cách khéo léo
Khen chê luôn là một nghệ thuật của sự chừng mực. Khen nhiều hay khen ít đều không được, mà phải đòi hỏi ở mức độ vừa phải, đúng lúc. Chê làm sao đúng cách, có chừng mực để làm đối phương không cảm thấy bất mãn cũng như bất phục.
Hãy khen ngợi chân thành và thật lòng, vì người nghe sẽ cảm nhận được độ chân thật trong lời khen của bạn. Vậy nên tốt nhất hãy khen đúng.
Khi phê bình ai đó, đừng đem nhau ra giữa bàn dân thiên hạ mà “hạ nhục” đối phương. Hãy đóng cửa lẳng lặng bảo nhau. Đừng quên làm mất lòng tự tôn của một người có thể khiến sự góp ý của bạn mất đi sự thuyết phục, ngược lại, nó sẽ biến thành cảm giác thù địch và sự bất phục từ đối phương.
Nếu bạn có những bí kíp làm sao để yêu công việc của mình nào nữa không, hãy chia sẻ với VIECVUI nhé!
— HR Viecvui —
Viecvui – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam