Thay vì tìm kiếm cơ hội mới như những năm trước, sau Tết nhiều lao động lựa chọn có việc làm ổn định, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2024 của các doanh nghiệp (DN) cao hơn nhiều so với các năm trước. Tình trạng người lao động (NLĐ) “nhảy việc” giảm đáng kể, đây là tín hiệu tích cực và cho thấy thị trường lao động đang có xu hướng ấm dần lên. Qua đó, phản ánh chính sách đãi ngộ của nhiều DN được chú trọng, nhằm khuyến khích NLĐ gắn bó lâu dài.
Cần ổn định việc làm
Dù có kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực may mặc, song sau khi mất việc từ tháng 8-2023 đến nay, chị Lê Ngọc Hương (quê Tiền Giang) vẫn chưa tìm được việc làm mới. Hiện chị có 2 con đang trong tuổi ăn học, công việc tài xế của chồng cũng khá bấp bênh, vì vậy ý định sớm tìm được việc làm ổn định càng thôi thúc chị.
Trước đây, chị Hương làm công nhân may cho một DN tại quận Bình Tân, TP HCM, thu nhập mỗi tháng hơn 9 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tình hình sản xuất – kinh doanh của công ty gặp khó khăn, chị không may nằm trong diện bị cắt giảm. Thời gian qua, chị tìm việc làm chủ yếu gần nhà nhưng sắp tới sẽ sang các khu vực lân cận để sớm có được công việc mới.
“Số tiền công ty cũ hỗ trợ sau khi nghỉ việc đến nay đã gần hết nhưng việc mới vẫn chưa tìm được nên tôi rất lo. Tôi đã tham gia BHXH gần 15 năm, do đó mong muốn tìm DN có công việc ổn định, tiếp tục đóng BHXH, sau này có lương hưu khi về già” – chị Hương nói.
Sau 7 ngày nghỉ Tết cùng người thân và gia đình, gần 100% NLĐ Công ty TNHH MTV Koei Kiko Việt Nam (100% vốn Nhật Bản; huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã trở lại làm việc. Trước khi nghỉ Tết, tất cả NLĐ đều được nhận một khoản thưởng khá để chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài thưởng tháng lương 13 và chuyên cần, công ty còn đưa ra chính sách mua lại phép năm gấp 1,5 lần ngày công khiến tập thể NLĐ đều phấn khởi.
Ông Nguyễn Bá Cang, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Koei Kiko Việt Nam, cho biết những năm trước đây, DN luôn phải đau đầu với tình trạng NLĐ nghỉ việc sau Tết, phải tuyển từ 3 – 4 tháng trước Tết để bổ sung cho nhóm lao động “nhảy việc”, thì nay nhờ lương, thưởng cùng các đãi ngộ đã giúp DN giữ chân được đội ngũ lao động lành nghề.
Phần đông NLĐ tại DN là lao động kỹ thuật, phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để đào tạo. “Nhằm ứng phó với thực trạng trên, nhiều năm qua, công ty không chỉ quan tâm đến việc làm mà đời sống của NLĐ cũng được chú trọng. Hiện NLĐ làm việc tại công ty 3 – 4 năm trở lên đều có thu nhập khoảng 12 – 13 triệu đồng/tháng” – ông Cang cho hay.
Chọn gắn bó lâu dài
Ông Nguyễn Văn Hậu, nhân viên tuyển dụng Công ty TNHH TM-DV Triệu An Phát (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; chuyên tuyển dụng lao động thuê ngoài cung ứng cho các DN tại Đồng Nai, TP HCM), cho biết dù nhu cầu tuyển dụng có tín hiệu khởi sắc nhưng việc tuyển người thời điểm này không diễn ra ồ ạt như các năm trước. Xu hướng tìm việc sau Tết cũng khác so với thời điểm trước Tết.
“Trước đây, làm việc thời vụ, công việc bấp bênh nhưng không bị gò bó về thời gian nên nhiều người chọn, nay NLĐ lại mong muốn tìm công việc ổn định, gắn bó lâu dài với DN. Đặc biệt, họ chú trọng việc tham gia các chế độ BHXH, BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và có một khoản phòng thân khi về già” – ông Hậu phân tích.
Lý giải nguyên nhân xu hướng “nhảy việc” sau Tết giảm so với cùng kỳ các năm trước, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM), cho rằng tiền lương giữa các DN cùng ngành không còn sự chênh lệch quá lớn. Nhiều công ty đưa ra chính sách chăm lo, khuyến khích NLĐ làm việc lâu dài, nhất là các đãi ngộ căn cơ đối với đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, vì vậy họ chọn gắn bó lâu dài thay vì tìm bến đỗ mới.
Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn và gặp mặt chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2024 do UBND TP HCM tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết so với cùng kỳ năm 2023, tình hình NLĐ quay trở lại làm việc sau Tết không có nhiều thay đổi so với trước.
Qua kết quả khảo sát gần 3.300 DN trên địa bàn thành phố, tỉ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết đạt trên 97%, tỉ lệ thiếu hụt lao động dưới 3%, tập trung chủ yếu tại các DN thâm dụng lao động. Nguyên nhân có thể nhận thấy rõ là tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh tại các DN trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu. Do đó, NLĐ mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với DN hơn trong năm 2024.
“Một tín hiệu đáng mừng là hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN tại TP HCM đang có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một số DN tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm nay ngay thời điểm cuối năm 2023” – ông Minh thông tin.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thời gian tới thành phố cần khoảng 52.000 chỗ làm việc. Các vị trí cần tuyển dụng lao động tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ (chiếm 70,56%). Nhu cầu tìm việc làm của NLĐ trong quý I được dự báo sẽ tăng cao, chủ yếu tập trung tại các ngành nghề như: da giày – may mặc (chiếm 42,76%), lao động phổ thông (12,15%), kinh doanh – quản lý (11,27%), công nghệ thông tin (5,61%), kỹ thuật – cơ khí (5,27%)…