TPHCM – Nhiều học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã định hình được năng lực, sở thích của mình nhằm đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân. Không ít bạn trẻ, dù chỉ mới tốt nghiệp THCS nhưng đã quyết định rẽ hướng sang học nghề để sớm gia nhập thị trường lao động.
Lựa chọn học nghề khi chỉ vừa học hết cấp 2
Cách đây 3 năm, Trần Hoàng Long, 19 tuổi, quê Bến Tre đã giấu gia đình, một mình lên TPHCM để đăng kí học nghề vì đam mê thuở nhỏ với nghề bếp.
Ngày ấy lên thành phố, trong tay chỉ có đúng vỏn vẹn 200.000 đồng, Long loay hoay kiếm trọ để nghỉ qua đêm, lòng nôn nao mong trời mau sáng để đến trường nghề đăng kí nhập học.
“Em thích nấu ăn từ khi còn học tiểu học, thời gian đó, ngày nào em cũng vào bếp phụ nấu với mẹ, đến lúc học lớp 5, lớp 6 thì hầu như là “bếp trưởng” trong nhà. Cũng chính vì niềm yêu thích này mà ngay khi học hết cấp 2, em đã không học lên cấp 3 mà lựa chọn đi học nghề bếp.
Quyết định này em không hề thổ lộ với bố mẹ vì sợ không được ủng hộ. Em đã gói ghém đồ đạc, đi một quãng đường hơn 100 km để lên TPHCM đăng kí học nghề mà không hề nói với gia đình”, Long kể lại.
Chia sẻ về khoảng thời gian mới lên thành phố, Long cho biết cảm thấy rất cô đơn và sợ hãi vì lần đầu tiên đến một thành phố lớn mà không có người thân bên cạnh.
“Ngày lên trường đăng kí ghi danh, em được nhà trường hỗ trợ rất nhiều, lại ở kí túc xá nên cũng đỡ được rất nhiều chi phí. Lên thành phố được 2 ngày thì bố mẹ biết, ngay ngày hôm sau thì gia đình lên thành phố tìm em.
Mới đầu gặp, bố mẹ khóc rất nhiều, sau đó cũng hỏi han về việc học nghề ở trường, đến thăm chỗ ở trong kí túc xá của em và quyết định cho em ở lại TPHCM để học nghề. Thời gian đầu, em được bố mẹ hỗ trợ tiền ăn học nhưng sau khoảng nửa năm em đã tự lo được bằng việc đi làm phụ bếp cho một nhà hàng ở quận Bình Thạnh với mức lương hơn 4,5 triệu đồng”, Long chia sẻ.
Nói về dự định sắp tới của bản thân, Long cho biết sẽ cố gắng hoàn thành tốt chương trình học tại trường, sau đó sẽ tiếp tục trau dồi và làm việc tại nhà hàng hiện tại, phấn đấu lên một vị trí mới trong vài năm tới.
Cùng chung niềm đam mê với nghề bếp giống như Long, Nguyễn Thị Diệu (17 tuổi, quê Bình Thuận), dù đã đậu trường THPT công lập nhưng vẫn quyết định một mình vào TPHCM để đăng kí học khóa ẩm thực tại trường nghề để sớm gia nhập thị trường lao động.
“Không chỉ vì niềm yêu thích với nghề bếp mà bản thân em cũng nhận thấy được triển vọng nghề nghiệp của ngành này trong tương lai khi nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn ngày một cao. Đặc biệt là khi học nghề bếp, mình có cơ hội biết thêm về ẩm thực của rất nhiều nước, đây là điều khiến mình cảm thấy thích thú nhất.
Trong thời gian học, em cũng có thể tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng, khách sạn để trau dồi thêm kĩ năng, có thêm khoản thu nhập để trang trải cho bản thân cũng như vơi bớt gánh nặng cho gia đình”, Diệu chia sẻ.
Cơ hội việc làm lớn, nhu cầu cao
Bà Ngụy Lai Hồng – Giảng viên ngành Quản trị bếp, ẩm thực Trường trung cấp Việt Giao cho biết, khi tham gia học nghề Quản trị bếp, ẩm thực, học sinh được đào tạo nhiều môn học như bếp Việt, trong đó có các món ăn ở từng vùng miền, hay các món bếp Á, bếp Âu,…
Do đó, khi các em học xong thì có thể nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động. Các em có thể làm việc ngay mà phía đơn vị sử dụng lao động không phải đào tạo lại.
Về vị trí công việc có thể làm sau khi tốt nghiệp, bà Hồng cho biết, cơ hội việc làm của các sinh viên theo học nghề Quản trị bếp, ẩm thực rất rộng mở. Từ các nhà hàng 2, 3 sao hay thậm chí 4 sao và hơn nữa nếu các em có đủ năng lực.
“Tại TPHCM hay các khu vực lân cận, đa số kinh doanh theo mảng dịch vụ ăn uống đang rất phát triển do đó cơ hội việc làm rất lớn. Hiện tại, lớp tôi đang dạy đã có nhiều em đã tham gia làm việc tại một số nhà hàng lớn, mức thu nhập rất khá”, bà Ngụy Lai Hồng nói.