Bài và ảnh: GIANG NAM
Nhà tuyển dụng ngày càng yêu cầu cao trong tuyển dụng, do đó người lao động cần nâng cao trình độ, kỹ năng để hoàn thiện bản thân
Theo đánh giá của một số khảo sát, nghiên cứu, nhu cầu tuyển dụng trong nửa đầu năm 2024 sẽ tăng. Đáng chú ý, các nhà tuyển dụng cũng sẽ yêu cầu cao hơn với ứng viên từ trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng, trong đó xuất hiện những kỹ năng mới. Điều đó cho thấy tuy thị trường tuyển dụng ấm trở lại nhưng cơ hội cho ứng viên sẽ ít nếu không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN).
Ưu tiên người nhiều kỹ năng
Ông Ryosuke Kanemoto, CEO của Navigos Group, cho rằng cần điểm và kết lại một năm khó khăn vừa qua trước khi nhận định về thị trường tuyển dụng trong năm 2024.
Khảo sát của Navigos Group cho thấy 68,7% DN chọn cách cắt giảm nhân sự để ứng phó với những biến động của thị trường; gần 53% ngưng tuyển dụng nhằm cắt giảm chi phí, duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, gần 47% DN tăng cường đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm cho nhân viên để nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; hơn 43% DN chọn giải pháp điều chuyển nội bộ để phát huy tối đa năng lực của người lao động (NLĐ), qua đó tìm kiếm những nhân tố mới cho những vị trí cần lấp đầy mà không phải tuyển mới.
Đáng chú ý, trên 59% DN được khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng thêm nhân sự mới trong năm 2024 với nhu cầu tăng thêm từ 20% – 25% nhân sự cho công ty.
Khác với những năm trước, năm nay DN sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, ứng viên đã có từ 1 – 3 năm kinh nghiệm, kinh nghiệm quản lý… Bộ phận có nhu cầu tuyển nhiều nhất trong năm 2024 là kinh doanh, bán hàng, khối sản xuất, truyền thông, marketing…
“Là một nền kinh tế năng động, các DN Việt Nam đang cố gắng dùng nhiều giải pháp để ứng phó với biến động của nền kinh tế. Trong đó, thay đổi từ tư duy, cách vận hành, trang bị kỹ năng cần thiết, đến hoạt động tuyển dụng – tìm việc đều được quan tâm đầu tư. Điều rõ nét nhất hiện nay là cả DN và NLĐ ở Việt Nam đều có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thích ứng và bắt kịp với các thay đổi có thể tiếp tục diễn ra” – ông Ryosuke Kanemoto đánh giá.
Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, làn sóng sa thải vẫn còn ám ảnh NLĐ nhưng nhìn chung tâm lý của họ khá tích cực. Dữ liệu Navigos Group cho thấy NLĐ cũng nhận thức trang bị cho bản thân những giải pháp nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong đó, nâng cao kỹ năng mềm hiện có là biện pháp được áp dụng nhất (gần 62% NLĐ lựa chọn). Điều này phù hợp với xu hướng các DN kỳ vọng lực lượng lao động tham gia đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức hoặc nâng cao kỹ năng về các công nghệ mới, nhất là những công nghệ liên quan đến dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).
Chẳng hạn về công nghệ dữ liệu đang tác động đến mọi khía cạnh trong đời sống làm việc của NLĐ, từ các số liệu dùng để đánh giá thị trường đến việc tận dụng nguồn dữ liệu để đưa ra quyết định tốt hơn. Do vậy, kỹ năng tổng hợp, phân tích và sử dụng dữ liệu cũng sẽ là yêu cầu mới trong tuyển dụng.
Yêu cầu cao
Là nhà tuyển dụng, bà Trần Phương Hạnh, Giám đốc nhân sự của DAT Group, cho biết ngoại ngữ và tư duy phân tích, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả là những yêu cầu không thể thiếu bên cạnh chuyên môn cho từng vị trí.
“Trong bối cảnh hội nhập, các DN đều mở rộng làm ăn với các đối tác ngoại. Chính vì vậy nhân sự phải đạt những phẩm chất như trên mới có thể đảm đương được công việc. Vì vậy, NLĐ cần phải trang bị, bổ sung, thay đổi để có thể lọt vào vòng cuối của nhà tuyển dụng” – bà Trần Phương Hạnh khuyên.
Các DN tuyển dụng trong năm nay sẽ khai thác tối đa những công cụ công nghệ hữu ích, từ việc lọc hồ sơ ứng viên cho đến những bài test (kiểm tra), các trải nghiệm mô phỏng công việc để đánh giá toàn diện ứng viên. Đây cũng là điểm mới rất tích cực được các DN quan tâm trong thời gian vừa qua bởi tính hiệu quả của nó.
Chuyên gia quản trị nhân sự Hà Nguyên, Viện Quản trị và Công nghệ FSB (Đại học FPT), cho rằng các nhà quản lý DN đang hiểu rõ hơn ai hết về những thay đổi quá nhanh của nền kinh tế và xã hội trong thời gian qua. Họ hiểu thị trường đã thay đổi như thế nào, khách hàng và đối thủ cạnh tranh đang làm gì và đâu là cơ hội để họ bứt phá, vươn lên.
“Tất cả điều đó phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự mà họ dẫn dắt. Các DN hiện nay đều có chiến lược quản trị nhân lực rất bài bản được xây dựng khoa học bởi họ hiểu rằng nhân lực quyết định sự thành bại DN. Vì vậy, vai trò của NLĐ ngày một lớn bên cạnh sự đầu tư về công nghệ, chuyển đổi số” – ông Nguyên phân tích.
Chính vì vai trò và sự đầu tư lớn như vậy, các DN sẽ đòi hỏi cao hơn bao giờ hết về NLĐ của mình. Sẽ rất khó tìm được công việc trong năm nay nếu NLĐ thiếu kiến thức chuyên môn, yếu về kỹ năng, sử dụng công nghệ kém. NLĐ cũng sẽ khó giữ công việc nếu khả năng giao tiếp kém, ý chí tự học không cao và không nổi trội trong bộ phận của mình.
Ông Nguyên cũng nhận định thị trường lao động trong thời gian tới là một sân chơi có tính đào thải cao hơn để loại bỏ dần những nhân sự yếu kém. Đó cũng là cách để DN tận dụng nguồn lực trẻ, giỏi đưa DN bứt phá, kịp thời nắm bắt thị trường khổng lồ đang thay đổi nhanh chóng.
Thị trường lao động chất lượng cao của Việt Nam trong năm nay cũng sẽ cạnh tranh hơn với nguồn ứng viên Việt kiều từ nước ngoài về và sự trưởng thành của một lực lượng nhân sự công nghệ đang gây dấu ấn với làn sóng chuyển đổi số tại Việt Nam.
Nguồn: Tại đây