Cre: NGUYỄN HỮU NHÂN (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Trung đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm khi đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản và trở về đóng góp cho quê hương
Năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan chức năng phát động phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại địa phương, chàng trai trẻ Huỳnh Bảo Trung hăng hái hưởng ứng. Lý do Trung muốn xuất ngoại là học hỏi kinh nghiệm làm việc từ một nước phát triển.
Học hỏi và tiết kiệm
Đất nước mà Trung chọn đăng ký đến làm việc trong ngành cơ khí là Nhật Bản. Gần 1 năm học tiếng Nhật, được các thầy cô đánh giá cao về kỹ năng giao tiếp và chăm chỉ đã giúp Trung vượt qua kỳ sát hạch để đến Nhật vào năm 2015.
Thấu hiểu phương châm của lãnh đạo tỉnh là “đi làm thuê về làm chủ”, vì vậy khi đến Nhật Bản, anh đã đề ra kế hoạch phấn đấu cho bản thân. Xác định thời gian 3 năm ở Nhật sẽ qua nhanh, Trung ra sức học chuyên môn, học tiếng từ các bạn người Nhật và luôn cố gắng hòa nhập tốt. Do đó, anh hiểu được người Nhật rất có kỷ luật, nhất là không đến muộn, không bia rượu khi đến xưởng và không sử dụng điện thoại khi làm việc.
Tháng lương đầu tiên của Trung (với công việc là điều khiển máy cắt sắt sao cho hợp quy cách kỹ thuật của đơn hàng) sau khi trừ thuế, bảo hiểm, phí nội trú còn hơn 30 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt không quá 1/3. Số tiền còn lại là đáng mơ ước so với lao động trong nước. Với mức lương này, Trung nhẩm tính sau 3 năm làm việc nếu biết tiết kiệm và tham gia tăng ca, Trung sẽ có một số vốn hơn 500 triệu đồng.
Trung suy nghĩ, muốn thay đổi cuộc sống bản thân, hỗ trợ gia đình là phải nỗ lực trong nghề nghiệp. Ngày nghỉ, Trung cũng sắp xếp thời gian đi đây đó tìm hiểu văn hóa, cuộc sống con người nước Nhật. Sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp sở tại đã giúp anh có những chuyến đi thú vị để tăng cường vốn sống, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân. Nhờ sớm tiếp cận văn hóa của người Nhật, sau 3 năm sống và làm việc, Trung không sa vào những chuyện tiêu cực.
Nặng tình với quê hương
Huỳnh Bảo Trung xác định tham gia XKLĐ là phải tuân thủ những quy định trong hợp đồng lao động đã ký. Trước những lời rủ rê “có cánh” về mức lương, điều kiện sinh hoạt của những người môi giới, anh đều bỏ ngoài tai và luôn nhắc nhở bạn bè tránh những lời hứa hẹn đầy nguy cơ đó. Bởi vi phạm những điều khoản trong hợp đồng thì khó có cơ hội tái ký lần hai. Đặc biệt, làm như vậy là vi phạm pháp luật sẽ bị trục xuất về nước, danh dự cuộc sống gia đình, đất nước sẽ bị ảnh hưởng.
Năm 2018, hết hạn hợp đồng, dù được tái ký nhưng Trung quyết định về nước. Mang về số vốn đáng kể cùng kiến thức đã học hỏi được, Trung bắt tay vào thực hiện khát vọng làm giàu trên chính quê hương của mình.
Đầu tiên, Trung trích vốn đổi mới công nghệ sản xuất gạch của gia đình. Nhờ vậy bạn hàng tin cậy, đơn hàng phát triển hơn (trước chỉ làm thủ công nên ít đơn hàng). Kế tiếp là anh đầu tư vào một xưởng làm nhang thơm xuất khẩu tạo việc làm cho hàng chục nhân công tại quê nhà, cải thiện cuộc sống.
Không chỉ nghĩ cho riêng mình, thấy nhiều thanh niên, nhất là các bạn trẻ vừa học xong THPT, rất muốn đi XKLĐ sang Nhật nhưng còn e ngại về việc học tiếng, bởi tiếng Nhật rất khó. Nhằm hỗ trợ các bạn trẻ tỉnh nhà, Trung quyết định đến làm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, với vai trò giảng viên tiếng Nhật.
Mỗi khóa học, Trung thực hiện 150 tiết đứng lớp (được trả chi phí 60.000 đồng/tiết), nhưng khi dịch COVID-19 xuất hiện anh chỉ nhận 40.000 đồng/tiết, vì Trung cho rằng đây là cơ hội đền đáp nghĩa tình với quê nhà. Do vậy, anh luôn được học viên yêu mến và đồng nghiệp tin cậy.
Giúp bạn trẻ thay đổi cuộc sống
Ngoài vốn ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc, sinh sống ở Nhật của Huỳnh Bảo Trung cũng đã giúp các bạn trẻ rất nhiều khi sang Nhật làm việc. Theo Trung, hiện có một công ty ở Nhật mời anh sang làm việc với mức lương khá tốt nhưng anh không nhận lời. “Mình muốn tiếp tục công việc hiện tại để giúp nhiều bạn trẻ thay đổi cuộc sống như mình” – Trung nói.