Sinh viên có xu hướng được “đặt hàng” ngay khi đang đào tạo
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Thị Nga – Trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) đã có một số chia sẻ về ngành.
Theo đó, Khoa Giáo dục Đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) tiền thân là Bộ môn Giáo dục đặc biệt, được thành lập vào ngày 31/12/2002 theo Quyết định số 6639/QĐ-BGD&ĐT-ĐH của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo. Việc mở mã ngành đào tạo này xuất phát từ nhu cầu của trẻ và phụ huynh trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cũng như đáp ứng tầm nhìn và sứ mạng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt cũng có quyền được hưởng giáo dục chất lượng bao gồm việc được học với những giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục đặc biệt.
“Ngành Giáo dục đặc biệt rất coi trọng hình thành và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu.
Với xu hướng tiếp cận toàn diện trong giáo dục đặc biệt hiện nay, hợp tác với các nhà chuyên môn khác là vô cùng quan trọng nên chương trình đào tạo của nhà trường cũng nhấn mạnh hình thành và phát triển năng lực phối hợp với phụ huynh và những nhà chuyên môn khác trong quá trình giáo dục trẻ. Ngoài ra, với phương châm hài hoà giữa kiến thức chuyên môn sâu về giáo dục đặc biệt và giáo dục chung, chương trình đào tạo hiện nay cho phép người học được lựa chọn hành nghề giáo dục đặc biệt theo bậc học mầm non hoặc tiểu học, không dàn trải tất cả các bậc học cũng là điểm nổi trội có thể đề cập” – Tiến sĩ Hoàng Thị Nga thông tin thêm.
Theo Trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), từ khi thành lập ngành học đến nay, chưa bao giờ sự hấp dẫn của ngành học lại lớn đến như vậy.
“Trong khoảng 3-5 năm trở lại đây, tình hình tuyển sinh cho thấy ngành càng hấp dẫn hơn. Sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt thường có việc làm ngay khi kết thúc đợt thực tập mà không cần chờ đến khi tốt nghiệp. Các em thường có xu hướng được các trường “đặt hàng” trong thời gian đào tạo và nhất là khi đang thực tập.
Thực tế này là do nhu cầu giáo viên giáo dục đặc biệt đang rất bức thiết ở các đơn vị công lập và tư thục, ở cả các cơ sở chuyên biệt và hoà nhập. Ngoài ra, sự phát triển của xã hội cho thấy người tốt nghiệp ngành này có thể đáp ứng yêu cầu công việc ở nhiều hình thức, quy mô khác nhau liên quan đến trẻ đặc biệt nên số lượng học sinh quan tâm đến ngành cũng tăng đáng kể” – cô Nga lý giải.
Tiến sĩ Hoàng Thị Nga cũng cho biết thêm: “Nhu cầu giáo viên giáo dục đặc biệt đang rất lớn, điều này là không thể phủ nhận. Nhưng muốn trở thành sinh viên ngành giáo dục đặc biệt và sau đó là người giáo viên giáo dục đặc biệt tốt và giỏi, cần có những phẩm chất và năng lực đặc biệt…”.
Tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) các năm gần đây: Các năm 2018, 2019, 2020 (100%); năm 2021 (78,94%); năm 2022-2023 (96,30%).
“Sở dĩ, tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt năm 2021 thấp hơn so với tỉ lệ gần như 100% của các năm khác là do vào thời điểm thống kê đang trong đại dịch Covid-19 nên kết quả thống kê trong năm có những ảnh hưởng đáng kể” – cô Nga chia sẻ.
Ngành “khát” nhân lực nhưng không nhiều cơ sở đào tạo
Tiến sĩ Đào Thị Thu Thủy – Phụ trách ngành Giáo dục đặc biệt (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) chia sẻ về lý do nhà trường mở ngành: “Trong những năm gần đây, việc giáo dục người khuyết tật nói chung và sự phát triển ngành giáo dục đặc biệt nói riêng tại Hà Nội đang được các cơ quan, tổ chức trong nước, ngoài nước chú trọng phát triển và đạt được một số thành tựu đáng kể. Thời điểm trường mở ngành này, cả nước mới chỉ có 2 trường đào tạo cử nhân Giáo dục đặc biệt là Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, số lượng đào tạo chưa đủ để cung cấp nhân lực cho nhu cầu của xã hội.
Chương trình đào tạo hiện nay vẫn còn tập trung vào lĩnh vực khiếm thính, khiếm thị. Những giáo viên này chưa đáp ứng được đặc thù của giáo dục đặc biệt tại Hà Nội. Riêng cấp tiểu học, theo thống kê mới nhất, hiện toàn thành phố có 1.021 học sinh đang học hòa nhập tại các trường trên địa bàn, trong đó khoảng 80% học sinh mắc chứng tự kỷ.
Vì lẽ đó, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt để góp phần phục vụ nhân lực ngành.
Ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tập trung vào đào tạo giáo viên dạy trẻ rối loạn phát triển trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật học tập, khuyết tật ngôn ngữ giao tiếp được đặc biệt chú trọng”.
Theo Tiến sĩ Đào Thị Thu Thủy, chương trình đào tạo cử nhân khoa học ngành Giáo dục đặc biệt trình độ đại học nhằm mục tiêu trang bị kiến thức chuyên môn toàn diện, có kỹ năng thực hành cơ bản để tổ chức, chăm sóc, can thiệp, giáo dục và hướng nghiệp trẻ rối loạn phát triển.
Chương trình đào tạo giáo dục đặc biệt được thiết kế tổng cộng 130 tín chỉ bao gồm những khối kiến thức học tập chung; học tập chuyên nghiệp. Trong mỗi khối kiến thức được thiết kế các môn học bắt buộc và tự chọn để đảm bảo tính linh hoạt của chương trình và mở rộng cơ hội học tập của sinh viên.
Thời gian đào tạo của ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là 4 năm, học theo hình thức tín chỉ. Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được cấp bằng cử nhân Giáo dục đặc biệt với nhiều cơ hội việc làm và học tập tốt trong tương lai.
Ngành Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được phép đào tạo từ năm 2017, số lượng thí sinh lựa chọn ngày càng cao. Năm 2017, điểm đầu vào là 20/30 điểm; năm 2018 là 21,58/30 điểm; năm 2019 là 24,25/30 điểm; năm 2021 là 28,42/40; năm 2022 là 33,50/40 điểm và năm 2023 là 25,5/30 điểm.
Số lượng sinh viên được đào tạo hằng năm cũng ngày càng tăng, khóa 2017 có 19 sinh viên; khóa 2018 có 44 sinh viên; khóa 2019 có 33 sinh viên; khóa 2020 có 19 sinh viên; khóa 2021 có 43 sinh viên; khóa 2022 có 57 sinh viên và khóa 2023 có 48 sinh viên.
“Điểm chuẩn đầu vào sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt ngày càng cao, đứng vị trí top đầu trong các ngành đào tạo của nhà trường cho thấy rằng nhu cầu của xã hội với vị trí việc làm cho sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt rất lớn. Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi ngành giáo dục cần đổi mới để theo kịp bạn bè quốc tế. Do đó, ngành Giáo dục đặc biệt ngày càng được chú trọng phát triển và mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên mới ra trường, vị trí việc làm phong phú: Chuyên viên lĩnh vực giáo dục đặc biệt trong các cơ quan quản lý giáo dục tại các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ nghiên cứu trong các viện, trung tâm nghiên cứu về giáo dục đặc biệt của các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng…; giảng viên giảng dạy chuyên ngành Giáo dục đặc biệt tại các cơ sở đào tạo; giáo viên trực tiếp can thiệp tại các bệnh viện, trung tâm chuyên biệt các trẻ em rối loạn phát triển; giáo viên dạy hòa nhập trong các trường mầm non và trung học phổ thông….
Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững nguồn nhân lực cho sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội luôn gắn giá trị nghề nghiệp cho các em”- cô Thủy cho hay.
Sinh viên không được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116
Theo Tiến sĩ Đào Thị Thu Thủy, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội luôn tạo điều kiện để ngành Giáo dục đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo.
“Tuy nhiên, có một khó khăn chung: Hằng năm, xin chỉ tiêu đào tạo phức tạp, nhu cầu xã hội lớn nhưng chỉ tiêu đào tạo quá ít. Do chưa có vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp đối với ngành sư phạm Giáo dục đặc biệt (mới chỉ có vị trí việc làm của ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật) nên Thành phố Hà Nội khó phân chỉ tiêu đào tạo mã ngành này.
Ngoài ra, sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bắt đầu từ năm học 2023-2024 không được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Đối với các năm học trước, nhà trường xin chỉ tiêu tổng đối với các ngành sư phạm, sau đó sẽ cân đối và phân bổ chỉ tiêu từng ngành. Tuy nhiên, năm nay, thành phố yêu cầu báo cáo cụ thể chỉ tiêu từng ngành, và không duyệt cấp ngân sách hỗ trợ đối với sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt.
Đây cũng là một trong những khó khăn đối với công tác thu hút và đào tạo sinh viên ngành này”.
Từ những khó khăn trong công tác đào tạo, cô Thủy bày tỏ: “Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ một số vấn đề: Danh mục ngành đào tạo có tên ngành Giáo dục đặc biệt nhưng trong vị trí việc làm của các trường phổ thông không có nên sinh viên tốt nghiệp ra trường không được tuyển dụng vào ngạch giáo viên. Vì không có vị trí việc làm nên các địa phương không đặt hàng, trong khi nhu cầu xã hội rất lớn.
Trong danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngành này là thuộc khối đào tạo giáo viên, nên sinh viên nghĩ đương nhiên thuộc chế độ theo Nghị định 116. Theo đó, tôi cho rằng có thể quan tâm đến một số giải pháp như: Trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí cho ngành Giáo dục đặc biệt theo Nghị định 116 từ nguồn ngân sách Trung ương, do các địa phương không có nhu cầu đặt hàng.
Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ để xác định vị trí việc làm của người tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt trong các trường phổ thông”.
Cơ chế phát triển nguồn nhân lực chưa phù hợp với Luật Người khuyết tật
Bên cạnh đó, Trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cũng chỉ ra: Khó khăn lớn nhất của đội ngũ nhân lực ngành giáo dục đặc biệt có thể kể đến như:
Một là, số lượng giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt vẫn còn thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Hai là, có một tỉ lệ nhất định người đang làm việc trực tiếp với trẻ không được đào tạo, bồi dưỡng, làm cho chất lượng can thiệp hỗ trợ trẻ nhiều nơi chưa cao cũng phần nào tác động đa chiều đến nguồn nhân lực này nói chung.
Ba là, cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho ngành giáo dục đặc biệt chưa phù hợp với mục tiêu chiến lược của ngành và phương thức giáo dục đã được xác định trong Luật Người khuyết tật (Luật số 51/2010/QH12 của Quốc hội). Tại Điều 28, Chương 4, Luật Người khuyết tật có quy định:
(1)- Phương thức giáo dục người khuyết tật bao gồm giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt.
(2)- Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập.
Luật quy định giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Điều này phù hợp với xu hướng giáo dục đặc biệt chung của thế giới vì phương thức này nhằm tạo môi trường ít hạn chế nhất trong giáo dục người khuyết tật.
Tuy nhiên, để làm được như vậy, cần biên chế vị trí việc làm của giáo viên giáo dục đặc biệt ở nhà trường, nếu không các trường hoà nhập, nơi chiếm tỉ lệ cao học sinh khuyết tật đi học sẽ không thể là “môi trường học tập ít hạn chế nhất” do thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt, nguồn nhân lực chính điều phối và thực hiện chương trình giáo dục hoà nhập. Vai trò của họ không thể được thay thế bởi giáo viên mầm non, phổ thông và càng không thể được thay thế bởi nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật”.
Nên tiếp tục có những đề tài khoa học chuyên sâu về giáo dục đặc biệt
Bên cạnh những thuận lợi trong công tác đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Thị Nga cũng chỉ ra một số khó khăn về vấn đề đội ngũ: “Đội ngũ giảng viên có trình độ cao mới bắt đầu phát triển và cũng bị sức hút thị trường tác động ít nhiều. Một giảng viên chuyên sâu cần dành thời gian đầu tư chuyên môn nền tảng về giáo dục đặc biệt lẫn chuyên ngành hẹp nên có những thách thức nhất định…”.
Về hướng thu hút giảng viên có trình độ cao: Nhà trường hỗ trợ giới thiệu, điều động giảng viên có nền tảng phù hợp và định hướng chuyên môn về giáo dục đặc biệt.
Trường và Khoa phổ biến rộng rãi thông tin tuyển dụng trên các trang thông tin chính thức và các trang mạng xã hội phù hợp và bước đầu có những tác động tích cực.
Nhà trường cải tiến cơ chế tuyển dụng đặc biệt đối với giáo viên có trình độ tiến sĩ và đã bắt đầu áp dụng.
Quy hoạch đội ngũ giảng viên hiện tại học tập nâng cao trình độ, nhất là tham gia các đề án phát triển tiến sĩ, cụ thể như Đề án 89 của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Từ những khó khăn trong công tác đào tạo, Tiến sĩ Hoàng Thị Nga nêu một số kiến nghị, đề xuất: “Nên tiếp tục có những đề tài khoa học chuyên sâu về giáo dục đặc biệt để tập trung giải quyết các vấn đề quản lý trong giáo dục đặc biệt hiện nay, bao gồm cả tham mưu cho các cơ quan cấp trên về chính sách và cơ chế đối với giáo dục đặc biệt.
Triển khai việc giám sát tham mưu đúng, đủ và tập trung triển khai giáo dục đặc biệt bao gồm giáo dục hoà nhập ở cơ sở.
Nên có nghiên cứu về định biên giáo viên giáo dục đặc biệt trong các cơ sở giáo dục người khuyết tật, nhất là các trường mầm non và phổ thông bên cạnh định biên về nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn các cơ sở cung cấp dịch vụ can thiệp hỗ trợ giáo dục người khuyết tật để kiểm soát và đảm bảo chất lượng giáo dục đặc biệt”.
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng dự kiến mở lại mã ngành
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cũng từng là một trong những cơ sở đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt từ năm 2004 đến năm 2008, tuy nhiên, đứng trước nhu cầu nhân lực ngành tại khu vực miền Trung, nhà trường đang có kế hoạch xin mở lại mã ngành.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm Anh – Trưởng khoa Khoa Tâm lý giáo dục (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) lý giải: “Năm 2008, Khoa tuyển sinh không được, mặc dù trước đó, các khoá 2004, 2005, 2006, 2007 tuyển sinh rất tốt, sinh viên ra trường được xã hội đón nhận.
Phần nhiều do thay đổi hình thức thi, trường chưa có các chương trình quảng bá tuyển sinh để các em học sinh có cơ hội hiểu rõ về giá trị nghề nghiệp cũng như công việc sau khi tốt nghiệp. Do đó, nhận thức về nghề giáo dục đặc biệt vẫn là tâm lý e ngại của phụ huynh về việc con em mình gặp khổ, gặp khó sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay, với nhu cầu nhân lực ngành gia tăng, các chương trình truyền thông về nghề cũng được đẩy mạnh, có nhiều tấm gương thành công nghề nghiệp được khẳng định, nhận thức của người dân nói chung về nghề giáo dục đặc biệt có phần cởi mở hơn. Hơn nữa, 2 đầu mối của các trường đào tạo sư phạm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có lượng tuyển sinh tốt. Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cũng là một trong những trường trọng điểm quốc gia về đào tạo sư phạm, đã có lịch sử tin cậy về đào tạo sư phạm Giáo dục đặc biệt, việc mở lại mã ngành này là điều cần thiết và tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phục vụ nguồn nhân lực là giáo viên nói chung và giáo viên giáo dục đặc biệt nói riêng cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
“Đặc biệt, với sự ra đời của Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, trong đó có đề cập đến vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông: Cứ 15 người khuyết tật được bố trí 1 người; trường có 20 học sinh khuyết tật học hoà nhập trở lên thì được bố trí tối đa 2 người.
Ngoài ra, có khá nhiều các trung tâm can thiệp dành cho trẻ đặc biệt ra đời có nhu cầu tuyển dụng lớn, đặc biệt là đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về giáo dục đặc biệt.
Trong khi các trường đào tạo giáo dục đặc biệt theo hướng chuyên biệt, thì Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng xác định hướng đi có điểm khác biệt. Đó là ngoài đào tạo người học ra trường ngoài khả năng làm việc tại các trường chuyên biệt, còn có khả năng làm việc trong môi trường hoà nhập. Vì vậy hướng đào tạo của nhà trường là: Giáo dục đặc biệt – Giáo dục hoà nhập” – cô Trâm Anh cho biết thêm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm Anh cũng nhấn mạnh: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần đánh giá đúng nhu cầu giáo dục trẻ đặc biệt hiện nay ở khu vực miền Trung và cả nước.
Đồng thời, tăng cường quảng bá các giá trị nghề nghiệp để người học và cộng đồng biết đến, quan tâm và có những định hướng tốt cho những người học có tố chất làm việc với trẻ em, đặc biệt trẻ em đặc biệt.
Ngoài ra, phát triển chương trình đào tạo và chất lượng đội ngũ nhân sự. Mặt khác, phối hợp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền. Và đa dạng các loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, chứng chỉ,…)”.