Sơn Quang Huyến
GDVN- Trong 7 tháng chờ hưu, cả trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp, trung bình mỗi tháng tôi được hưởng hơn 33.000.000/tháng
Thông tin một thầy giáo bậc trung học cơ sở nghỉ việc trong lúc chờ sổ hưu, nhận hơn 33.000.000/tháng ở một tỉnh phía nam làm nhiều giáo viên trong trường bất ngờ, vui lây với người trong cuộc.
Thầy Ngô Sĩ (đã đổi tên nhân vât) cho biết: “Lúc đầu, tôi không có ý định nghỉ việc trước tuổi hưu nhưng vì gia đình có việc, tôi buộc phải nghỉ sớm 07 tháng.
Sau khi nghỉ việc, tôi ra trung tâm dịch vụ việc làm, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng tôi được hơn 6.700.000 đồng và có bảo hiểm y tế đầy đủ.
Ngoài ra, tôi còn được nhận trợ cấp thôi việc hơn 187.000.000 đồng nữa. Tính ra, trung bình mỗi tháng nghỉ việc trước khi đủ tuổi hưu tôi nhận được hơn 26.000.000 trợ cấp thôi việc.
Như vậy, cả trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp, trung bình mỗi tháng tôi được hưởng hơn 33.000.000/tháng, dù chỉ được nhận trong 7 tháng, nhưng cũng là khoản thu nhập lớn đối với giáo viên già như tôi. [187.497.000 đồng (trợ cấp thôi việc) + (6.745.000 đồng x7 tháng (trợ cấp thất nghiệp 7 tháng) = 187.497.000 đồng + 47.215.000 đồng = 234.712.000 đồng – người viết] . Tính ra, trong 7 tháng chờ nhận sổ và lương hưu, mỗi tháng tôi có khoảng 33 triệu đồng để tiêu pha cho cuộc sống.
Nếu tôi đi dạy bình thường, lương của tôi được hơn 14.200.000/tháng. Nay nghỉ chờ hưu, mỗi tháng tính ra tôi có khoảng hơn 33.000.000 đồng. Điều này khiến tôi cũng ngỡ ngàng về quyền lợi mình được hưởng. Chờ 6 tháng nữa, đủ 61 tuổi, tôi ra bảo hiểm xã hội huyện nộp sổ bảo hiểm xã hội và làm hồ sơ nhận nhận lương hưu”.
Được biết, trong thời gian công tác, thầy Sĩ cũng từng đảm nhiệm các vị trí quản lý tại trường học.
Ảnh chụp màn hình do nhân vật cung cấp |
Câu chuyện của thầy Sĩ sau khi nghỉ việc trước 7 tháng so với tuổi đủ điều kiện nghỉ hưu làm không ít giáo viên ngạc nhiên. Vậy giáo viên nghỉ việc, nghỉ hưu như thế nào để được hưởng bảo hiểm đã đóng, hưởng trợ cấp thôi việc?
Hiện nay, mỗi tháng giáo viên đang đóng 03 loại bảo hiểm bắt buộc, bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Khoản 2, Điều 50, Luật Việc làm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng được hưởng 03 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.[1]
Như vậy, khi nghỉ việc, chưa có việc làm mới, giáo viên được nhận trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng.
Ngoài lương thất nghiệp, khi giáo viên nghỉ việc (thôi việc) còn được hưởng trợ cấp thôi việc theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dung và quản lý viên chức.
Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 58. Trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc
1. Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:
a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng;
c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008;
d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
2. Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.[2]
Theo đó, chỉ những giáo viên có quyết định tuyển dụng đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2008, nếu nghỉ việc, mới được hưởng trợ cấp thôi việc.
Giáo viên cận tuổi hưu nghỉ việc thời điểm nào phù hợp nhất?
Căn cứ theo quy định tại Mục 9 Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 507/QĐ-BNV năm 2023 quy định thủ tục nghỉ hưu đối với công chức, viên chức như sau:
Trình tự thực hiện thủ tục nghỉ hưu:
Cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền phân cấp quản lý công chức, viên chức rà soát công chức, viên chức đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, trước 6 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định ban hành Thông báo thời điểm nghỉ hưu cho công chức biết, trước 3 tháng đến thời điểm nghỉ hưu ban hành Quyết định
Thời hạn giải quyết: Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để công chức biết.[3]
Như vậy, giáo viên cận tuổi hưu, có quyết định tuyển dụng trước ngày ngày 31 tháng 12 năm 2008, muốn thôi việc để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, phải xin thôi việc trước khi cơ quan quản lý thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu.
Thời điểm xin nghỉ việc phải trước khi cơ quan quản lý thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu ít nhất 01 tháng, tức trước khi đủ tuổi hưu ít nhất 07 tháng.
Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu, giáo viên chủ động đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để làm thủ tục hưởng lương hưu.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Luat-viec-lam-nam-2013-215628.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguồn: Tại đây