Với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, anh Bùi Văn Thanh (sinh năm 1989, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đã vay mượn tiền của người thân để nộp cho bà Trịnh Thị Hằng (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) để đi sang Hàn Quốc làm hàn xì đóng tàu theo diện Visa E7.
Sau khi nộp tiền, tìm hiểu thì anh Thanh phát hiện mình không đủ tiêu chuẩn để đi Hàn Quốc theo diện Visa E7 nên đã đề nghị bà Hằng trả lại tiền nhưng bà Hằng không đồng ý. Quá bức xúc, anh Thanh đã gửi đơn đến Báo Lao Động nhờ trợ giúp.
Người lao động vỡ mộng
Trao đổi với PV, anh Bùi Văn Thanh cho biết, tháng 8.2023, do hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để cải thiện kinh tế gia đình, qua người quen anh gặp bà Trịnh Thị Hằng.
“Bà Trịnh Thị Hằng giới thiệu là Giám đốc tuyển dụng – chuyên xuất khẩu lao động và du học các thị trường Nhật, Hàn, Úc và châu Âu, thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du học quốc tế ANA (Công ty ANA), địa chỉ tại số 34, liền kề 9, Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Bà Hằng nói sẽ đưa tôi sang Hàn Quốc làm công việc hàn xì đóng tàu theo diện Visa E7 và yêu cầu đặt cọc 23.820.000 đồng để được đi xuất khẩu lao động. Tôi vay mượn người thân đóng đủ số tiền theo yêu cầu” – anh Thanh trao đổi.
Theo anh Thanh, việc thu tiền không có hợp đồng hay biên bản làm việc, chỉ có phiếu thu do bà Hằng viết và ký tên.
Trong phiếu thu, bà Hằng ghi là kế toán trưởng, thể hiện nội dung anh Thanh đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo diện Visa E7.
Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, anh Thanh tìm hiểu kỹ hơn thì thấy rằng, các điều kiện để đi Hàn Quốc theo diện Visa E7 là rất cao như phải có kinh nghiệm nghề nghiệp, tay nghề kỹ thuật cao, phải tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng trở lên… trong khi đó anh Thanh mới chỉ tốt nghiệp cấp 2, chưa từng làm công việc hàn xì bao giờ.
Anh Thanh đã trao đổi lại với bà Hằng, nhưng bà Hằng vẫn cam kết sẽ đưa anh sang Hàn Quốc được và có thể lo được bằng cấp để anh đủ điều kiện đi lao động. Tiếp đó, bà Hằng còn bố trí để anh Thanh đi học ở một trường nghề trong 5 ngày và anh Thanh được cấp chứng chỉ.
“Đầu tháng 10.2023, bà Hằng tiếp tục yêu cầu tôi nộp thêm 2.000USD nữa. Tự nhận thấy năng lực, trình độ của mình không thể đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, do đó tôi đã nhiều lần đề nghị với bà Hằng hoàn trả số tiền đã nộp. Tuy nhiên, bà Hằng không đồng ý và có ý định chiếm đoạt số tiền của tôi” – anh Thanh bức xúc.
Bà Trịnh Thị Hằng không phải là nhân sự của Công ty ANA
Phóng viên đã liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thì được biết, Công ty ANA không có chức năng đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.
Cùng với đó, phóng viên đến Công ty ANA để tìm hiểu thông tin, làm rõ sự việc.
Ngày 29.2, tại Công ty ANA, anh Nguyễn Quang Mạnh – giáo viên dạy tiếng Hàn, làm việc tại công ty từ năm 2020 đến nay – khẳng định: Bà Trịnh Thị Hằng không phải là nhân sự của công ty và không phải là Giám đốc tuyển dụng. Đồng thời anh Nguyễn Quang Mạnh cung cấp cho phóng viên danh sách đội ngũ lãnh đạo của công ty, trong danh sách không có tên bà Trịnh Thị Hằng; Giám đốc Công ty ANA kiêm chuyên viên trực tiếp tư vấn du học là ông Nguyễn Công Thành.
Đồng thời, anh Mạnh cho biết, đã có người lao động tìm đến công ty hỏi thông tin về bà Trịnh Thị Hằng, anh Mạnh đã trả lời công ty không có chức năng đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài và bà Hằng không phải là người của công ty nên người lao động… hụt hẫng đi về.
Phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Công Thành – Giám đốc Công ty ANA. Ông Thành cũng khẳng định bà Hằng không phải là nhân sự cũng như giám đốc tuyển dụng của công ty mà chỉ là người môi giới tuyển sinh!
Ngày 1.3, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động qua số điện thoại 096116xxxx, bà Trịnh Thị Hằng cho biết, bà không có hành vi lừa đảo và đang hẹn anh Bùi Văn Thanh gặp để giải quyết sự việc trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, bà Hằng vẫn nhận vào thời điểm tháng 8.2023 là nhân sự của Công ty ANA.