Bài và ảnh: MÂY TRINH
Chính sách hỗ trợ học nghề đang tập trung cho một số lao động nhất định, chứ chưa bao hàm hết các đối tượng thuộc nhóm người lao động
Khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (TP HCM) ghi nhận 60% doanh nghiệp (DN) sản xuất không yêu cầu người lao động (NLĐ) bất cứ điều kiện nào, miễn là có sức khỏe. Điều này cho thấy lao động lớn tuổi đang đuối sức trong cuộc cạnh tranh sinh tồn ở các thành phố lớn. Lúc này, vai trò của chính sách, nhất là hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ, rất cần thiết.
Mức hỗ trợ quá thấp
Khi mất việc vào tháng 4-2023, nguyện vọng lớn nhất của chị Phan Thị Nguyệt (quê Long An) là tìm được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) để tiếp tục đóng BHXH. Làm công nhân từ năm 20 tuổi, sau 20 năm, kinh nghiệm của chị chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực may mặc. Bị mất việc ở tuổi 41, giai đoạn đầu, chị không biết phải làm gì tiếp theo.
Dù băn khoăn nhưng khi được khảo sát về mong muốn tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề, chị vẫn nói dối không có nhu cầu, do e ngại công việc được giới thiệu sẽ không phù hợp. “Hiện tôi chỉ muốn tìm các công ty không áp sản lượng sản phẩm và làm trong khả năng, sức khỏe, độ tuổi của mình” – chị Nguyệt nói.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, phụ trách Phòng Tư vấn – Giới thiệu việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, cho rằng phần lớn lao động mất việc thời gian qua là lao động phổ thông, không có tay nghề nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Đối với lao động tuổi trung niên, hầu hết không chuẩn bị gì cho tình huống rời công xưởng khi chưa hết tuổi lao động. Do đó, khi rơi vào cảnh mất việc, họ khó xoay xở tìm việc mới.
Để hỗ trợ NLĐ, trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có nội dung hỗ trợ học nghề. Song thực tế, NLĐ không mấy mặn mà. Đơn cử như TP HCM, nơi tập trung nhiều lao động di cư, tính đến hết tháng 10-2023 đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho hơn 140.600 người (tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên, chỉ có 957 quyết định hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp được ban hành.
Nói về lý do tại sao chính sách này chưa thu hút, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, cho rằng chế độ hiện hành chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ NLĐ tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ. Chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại…).
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ học nghề tối đa 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian tối đa 6 tháng cũng được đánh giá thấp, không hấp dẫn. “Do đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, nên khi bị mất việc, họ chỉ quan tâm đến việc hưởng TCTN hoặc tìm việc làm để ổn định cuộc sống” – bà Thục đánh giá.
Giới hạn đối tượng thụ hưởng
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, đánh giá đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ học nghề còn bị giới hạn. Theo Luật Việc làm, chỉ những NLĐ tham gia HĐLĐ, hợp đồng làm việc (xác định, không xác định thời hạn) hoặc HĐLĐ theo mùa vụ hay theo một công việc nhất định, thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng mới đủ điều kiện hỗ trợ học nghề.
Theo luật sư Hậu, quy định như vậy chưa hướng đến những NLĐ tự do, làm công ăn lương nhưng không ký kết hợp đồng hoặc hợp đồng thời vụ dưới 3 tháng… Các chính sách BHTN hiện tập trung cho một số lao động nhất định, chứ chưa bao hàm hết các đối tượng thuộc nhóm NLĐ.