Tốt nghiệp THPT, nhiều người lao động thử đi tìm việc nhưng đa phần những doanh nghiệp có chế độ tốt, lương cao lại yêu cầu có bằng cấp, kinh nghiệm.
Doanh nghiệp yêu cầu bằng nghề, trình độ cao đẳng
Từ cuối năm 2023, Đà Nẵng liên tục tổ chức những ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn người, chủ yếu là lao động tự do, lao động chưa có việc làm và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại các địa phương.
Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng hàng nghìn vị trí việc làm nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển thường rất ít. Nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó, nhiều lao động chỉ mới có bằng tốt nghiệp THPT hoặc chưa có bằng tốt nghiệp THPT, chưa học nghề.
Bạn Nguyễn Minh (18 tuổi, trú quận Hải Châu), tốt nghiệp THPT năm 2023 và quyết định không theo học đại học. Minh từng tham gia ngày hội việc làm do địa phương tổ chức với mong muốn tìm được công việc phù hợp nhưng không có kết quả khả quan. Minh cho biết, các nhà tuyển dụng chủ yếu tuyển những người có bằng từ cao đẳng đến đại học. Với các ứng viên chỉ có bằng THPT thì chỉ có các công việc như nhân viên bảo vệ, nhân viên kho hoặc làm việc tại nước ngoài.
Đầu năm 2024, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại TP Đà Nẵng được tham dự nhiều ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm do các địa phương tổ chức. Tuy nhiên thực tế, đa số họ chỉ mới xác định đi học lái xe do được hỗ trợ học phí, còn việc học nghề thì rất ít người tính toán đến.
Các doanh nghiệp tham gia ngày hội tư vấn việc làm cũng cho biết, để tuyển dụng được các ứng cử viên phù hợp rất khó vì đến dự ngày hội đa phần là các quân nhân chuẩn bị xuất ngũ và những ứng viên chỉ mới tốt nghiệp THPT.
Bạn Trần Tiến (20 tuổi, trú quận Sơn Trà) cũng nêu thực tế, sau khi tốt nghiệp THPT, Tiến nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự nên chưa có thêm bằng cấp nào khác và chưa đi làm công việc nào để có kinh nghiệm.
Dù vậy, “sau ngày hội tôi cũng biết được nhu cầu doanh nghiệp ra sao để có hướng lựa chọn học nghề cho mình” – Tiến cho hay.
Tạo nhiều cơ hội cho thanh niên xuất ngũ học nghề
Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng – cho biết, công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Các chính sách hỗ trợ học nghề cho người dân, nhất là lao động thuộc diện chính sách xã hội ngày càng được quan tâm. Trong đó có chính sách hỗ trợ học nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ trở về địa phương được tham gia các lớp đào tạo nghề để có việc làm góp phần ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, 89% thanh niên xuất ngũ có nhu cầu học nghề lái xe ôtô. Nguyên nhân là vì họ được hỗ trợ từ 14,5 đến 16,5 triệu đồng/người khóa. Mỗi năm có khoảng 1.000 hồ sơ xin học lái xe tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp các khóa học nghề họ có thể tự tạo việc làm bằng các hình thức như: Chạy xe Grab, kinh doanh vận tải gia đình… hoặc đơn vị đào tạo sẽ giới thiệu làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn thành phố có Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng liên kết với Trường Cao đẳng nghề số 21 (Bộ Quốc phòng) tổ chức đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng đối với các ngành nghề Công nghệ ôtô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Điện Công nghiệp, Điện lạnh… Dù vậy, số lượng người học nghề mỗi năm chỉ khoảng 300 người.
Để tạo điều kiện cho người lao động, trong đó có quân nhân xuất ngũ tiếp cận với việc tìm kiếm việc làm phù hợp, ông Nam cho biết, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Có việc làm”, đồng thời giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu và kết nối việc làm tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại 3 địa điểm. Đây là một địa chỉ rất đáng tin cậy mà người lao động có thể đến trực tiếp để được tư vấn, giới thiệu và tìm kiếm công việc hay ngành nghề phù hợp.