Bên cạnh những trường hợp thôi làm công nhân để chuyển sang làm nghề tự do, có không ít người là lao động tự do lại mong muốn tìm được việc làm trong công ty để ổn định công việc, thu nhập. Nếu được ký hợp đồng, họ sẽ có thu nhập cố định hằng tháng, đồng thời có quyền lợi về bảo hiểm xã hội.
Tìm việc có lương cơ bản từ 6-7 triệu đồng/tháng
Sau khi nghỉ Tết, anh Trần Văn Chín đi xe máy từ quê ở huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội lên Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) để tìm việc.
Anh Chín cho biết, trước đây anh làm nghề hàn xì ở quê. Là lao động tự do, anh được chủ động về mặt thời gian, nhưng thu nhập không ổn định. Có tháng anh được từ 7-8 triệu đồng, nhưng cũng có tháng thu nhập chỉ được vài triệu đồng, không đủ để anh trang trải cho cuộc sống gia đình.
Gần 30 tuổi, nên anh muốn có nơi làm việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội để sau này có thể có lương hưu.
“Đi làm ở Khu công nghiệp Thăng Long phải xa gia đình, nhưng bù lại có thu nhập cao hơn, ổn định hơn và có thêm những quyền lợi sau này” – anh Chín chia sẻ.
Dùng điện thoại chụp lại thông tin đăng quảng cáo tại bảng tuyển dụng, anh Chín cho hay, anh mong muốn có một công việc liên quan đến cơ khí với mức lương cơ bản khoảng 6-7 triệu đồng/tháng; tính cả phụ cấp là 10 triệu đồng/tháng.
“Với mức thu nhập trên, tôi mới có thể đủ tiền để trang trải cho các chi phí thuê nhà trọ, gửi tiền về quê nuôi các con” – anh Chín cho biết.
Tuy nhiên, sau một hồi tìm hiểu thông tin, anh Chín vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Đại đa số các vị trí công việc các công ty cần tuyển là công nhân điện tử sản xuất trực tiếp; có công ty lại chỉ tuyển công nhân nữ.
Ngoài ra, một số công ty tuyển dụng các vị trí quản lý, nhân viên kỹ thuật… Nam thanh niên dự tính, ngoài đến trực tiếp các bảng tuyển dụng tại Khu công nghiệp Thăng Long, anh sẽ lên mạng Internet để tìm kiếm thông tin tuyển dụng phù hợp với mình.
Quyết tâm tìm công việc ổn định
Giống với anh Chín, ngay từ những ngày đầu năm, chị Trần Thị Hiếu (27 tuổi) đã tìm việc tại các trang việc làm online, để chắc chắn hơn, cô gái trẻ quê ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã một mình đến Khu công nghiệp Thăng Long để ứng tuyển.
“Xin việc online tôi không thể hỏi rõ các quyền lợi, yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra. Khi đến tận nơi, mọi thông tin đều được nhà tuyển dụng đưa ra cụ thể” – chị Hiếu nói.
Tại khu vực tuyển dụng ở gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Hiếu xem kỹ các thông tin, chốc chốc lại lấy điện thoại ra chụp.
Chị Hiếu cho biết, có 2 hình thức đăng ký xin việc, một là dựa theo mã QR doanh nghiệp, tại đây, ứng viên quét mã rồi khai thông tin của bản thân bao gồm độ tuổi, CCCD, nơi thường trú, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn,… Cách thứ 2, người đi xin việc có thể chuẩn bị hồ sơ gốc gồm sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh,… rồi nộp tại công ty.
Sau Tết, theo chị Hiếu các công ty có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều và không đòi hỏi cao về bằng cấp. Làm theo cả 2 cách, sau một ngày, chị Hiếu đã được phòng nhân sự của công ty gọi điện đến phỏng vấn vào ngày hôm sau.
Trước đây, chị Hiếu từng bán vải ở chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) cho người thân, hơn một năm nay, doanh số của cửa hàng sụt giảm nên thu nhập của chị cũng không thể tăng thêm.
“Cửa hàng có 3 nhân viên thì chỉ còn tôi, trước khi nghỉ Tết, tôi đã xin nghỉ hẳn” – chị Hiếu cho hay.
Làm với người thân, chị Hiếu cho hay, được bao ăn, ở, song mức lương trung bình chỉ 7 triệu đồng/tháng, trong khi không được đóng bảo hiểm xã hội, không chế độ hay phúc lợi đãi ngộ khác. Nếu làm ở công ty, công việc có vất vả hơn chút nhưng chị được tham gia bảo hiểm xã hội, được hưởng các quyền lợi khác, như thưởng lễ, Tết… Đây cũng là lý do để cô gái trẻ quyết tâm tìm một công việc ổn định.