(PLO)- Lợi dụng tâm lý của người lao động kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu trò tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người lao động.
Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết “Mất tiền vì điểm giới thiệu việc làm không phép” về tình trạng các trung tâm, điểm giới thiệu việc làm không phép hoạt động ngang nhiên trước cổng Bến xe An Sương (thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Đây là thời điểm cận Tết, nhu cầu việc làm gia tăng, nhiều người lao động tìm đến các địa điểm việc làm để xin việc với mong muốn gia tăng thu nhập. Lợi dụng tâm lý của người lao động kiếm thêm thu nhập, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều chiêu trò tuyển dụng nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người lao động.
Cảnh báo bẫy lừa đảo việc làm
Trao đổi với PLO, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết hoạt động dịch vụ việc làm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ hoạt động khi được Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cấp giấy phép hoạt động.
“Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, đặc biệt là đánh vào tâm lý người lao động muốn nhanh chóng có việc làm, có mức lương cao và không yêu cầu cao về điều kiện tuyển dụng nên các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ việc làm trái phép luôn tìm cách hoạt động thông qua nhiều hình thức: Giới thiệu trực tiếp, đăng tải thông qua mạng internet,…
Tình trạng hoạt động dịch vụ việc làm không có giấy phép chủ yếu tập trung vào các cá nhân, tổ chức có quy mô nhỏ, địa điểm hoạt động không ổn định, không có nhiều nhân viên” – ông Thinh cho hay.
Người lao động có thể truy cập các trang fanpage tuyển dụng, website, các ứng dụng trên điện thoại về việc làm hoặc liên hệ trực tiếp với các đơn vị dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, người lao động cần tìm hiểu kỹ các đơn vị thực hiện giới thiệu việc làm có hợp pháp hay không thông qua việc truy cập website của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội www.sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn để biết danh sách các đơn vị dịch vụ việc làm có giấy phép hoạt động.
Không đưa thông tin cá nhân khi chưa biết việc làm
Người lao động không đưa tiền cho tổ chức, cá nhân khi không có hóa đơn, phiếu thu hoặc có nhưng thông tin không rõ ràng, đầy đủ về đơn vị thu tiền; không cung cấp các giấy tờ cá nhân (CCCD, bằng cấp, chứng chỉ…) bản chính, bản gốc của mình cho các đối tượng tư vấn, giới thiệu việc làm giữ.
Không dễ dàng tin vào lời tư vấn, giới thiệu “việc nhẹ lương cao” đối với những công việc linh hoạt về thời gian, thu nhập cao, không đòi hỏi yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng làm việc.
Người lao động, có nhu cầu việc làm cần liên hệ với các đơn vị dịch vụ việc làm công lập như Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên TP.HCM trực thuộc Thành đoàn TP.HCM và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm đã được cấp giấy phép hoạt động khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Vấn đề các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ việc làm không có giấy phép đã xảy ra trong nhiều năm; các cơ quan báo đài cũng thường tham gia tuyên truyền, thông tin để người lao động cảnh giác nhưng vẫn có nhiều trường hợp dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn, sẵn sàng nộp các khoản tiền lớn để được giới thiệu việc làm nhưng trên thực tế kết quả không như mong đợi và có nhiều trường hợp bị mất tiền.
“Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã đề nghị Phòng LĐ-TB&XH quận – huyện rà soát, tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ việc làm không đúng quy định và đề xuất UBND quận – huyện các biện pháp xử lý, chú trọng những địa bàn quận – huyện có bến xe liên tỉnh như quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn” – ông Thinh cho hay.