Những điểm mới tại một số thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm sẽ giúp người lao động có thêm sự lựa chọn khi quyết định “xuất ngoại” trong năm 2024
Trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phấn đấu đưa 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, Nhật Bản thay thế bằng một hệ thống mới, mục tiêu là đào tạo kỹ năng thực sự và bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài làm việc tại nước này. Theo chương trình mới, lao động nước ngoài có thể cư trú lâu dài hơn cũng như có thể chuyển việc ở các doanh nghiệp cùng ngành nghề đăng ký sau 1 đến 2 năm, Tuy nhiên, họ phải đạt điều điều kiện nhất định về kỹ năng chuyên ngành và trình độ tiếng Nhật.
Bên cạnh đó, thực tập sinh ban đầu sẽ có thị thực lao động động 3 năm, nếu đạt tiêu chuẩn kỹ năng đặc định số 1 thì sẽ được phép làm việc tại Nhật Bản tối đa 5 năm, nếu đạt tiêu chuẩn kỹ năng đặc định số 2 (tức lao động nước ngoài tay nghề cao) có thể ở Nhật Bản vô thời hạn và đưa gia đình sang sinh sống cùng.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản vừa công bố kế hoạch bổ sung 4 ngành nghề cho thị thực lao động đặc định mà người nước ngoài có thể làm việc với tư cách “lao động có tay nghề”, gồm: vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ.
Việc bổ sung lĩnh vực vận tải đường bộ được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho các tài xế xe buýt, taxi và xe tải sang Nhật Bản làm việc. Trong lĩnh vực đường sắt, người nước ngoài có thể làm nghề lái tàu và chỉ huy tàu. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, người nước ngoài đủ điều kiện sẽ làm việc trong các hoạt động trồng rừng để quản lý và phát triển rừng, cũng như khai thác, chế biến gỗ.
Trong 159.986 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, có đến 58.620 lao động chọn sang Đài Loan (Trung Quốc), đứng thứ 2 sau Nhật Bản.
Đài Loan đang thiếu nhân công trong các lĩnh vực sản xuất, bán dẫn, bán lẻ, thực phẩm, khách sạn và xây dựng. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh thu hút lao động phổ thông, Đài Loan còn có chính sách mới để thu hút những sinh viên quốc tế đang theo học trên hòn đảo.
Chính quyền Đài Loan cho phép nới lỏng các quy định về thị thực nhằm cho phép sinh viên đại học nước ngoài ở lại lâu hơn sau khi tốt nghiệp để kiếm việc làm. Theo đó, sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể ở lại Đài Loan trong 2 năm, thay vì chỉ từ 6 tháng đến 1 năm như trước đây để tìm việc làm. Sinh viên các ngành sản xuất và xây dựng có thể nhận được học bổng 2 năm và thủ tục cấp học bổng rất nhanh chóng.
Từ đầu năm 2024, Đài Loan đã tăng lương cơ bản cho người lao động, trong đó có lao động nước ngoài. Mức lương cơ bản mới áp dụng từ ngày 1-1 là 27.470 đài tệ/tháng (tương đương 21,5 triệu đồng), tăng hơn 4% so với trước đây.
Mới đây nhất, Đài Loan đã cho phép lao động làm công việc xây dựng dân dụng có thể làm việc cho nhiều công trình của cùng một chủ sử dụng lao động trong thời hạn hợp đồng là 3 năm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 15-1 vừa qua.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho phép sinh viên nước ngoài mời cha mẹ đến Hàn Quốc làm việc tại các vùng sản xuất nông nghiệp hoặc làng chài nằm ở các khu vực gần trường học. Theo đó, phụ huynh của sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học bên ngoài khu vực Seoul từ hơn một năm trở lên, trừ các sinh viên đăng ký học các khóa học ngôn ngữ, có thể đến Hàn Quốc làm lao động thời vụ trong khoảng 8 tháng.
Điều kiện tham gia chương trình là cha mẹ sinh viên nước ngoài phải từ 55 tuổi trở xuống và không có tiền án tiền sự hoặc vấn đề sức khỏe. Sinh viên cũng không có hồ sơ vi phạm luật pháp Hàn Quốc và phải còn hơn hai học kỳ trước khi nộp đơn xin cấp phép.
Đây là một phần trong chương trình lao động thời vụ cho phép thuê lao động nước ngoài hợp pháp trong thời gian ngắn nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong mùa nông nghiệp và ngư nghiệp của Hàn Quốc.
Như vậy, bên cạnh chương trình lao động thời vụ đang triển khai kết nối giữa các địa phương Hàn Quốc với các tỉnh/thành Việt Nam thì chương trình này tiếp tục mở ra cơ hội cho phụ huynh sang Hàn Quốc thăm con kết hợp làm việc.
Năm 2024, Hàn Quốc cũng có nhiều thay đổi trong Chương trình EPS như cho phép tuyển lao động E-9 được làm việc cho các ngành nhà hàng, thực phẩm, khai thác mỏ và lâm nghiệp.
Năm 2024, Hàn Quốc sẽ cải tiến hệ thống “Giấy phép Lao động” nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động nước ngoài. Đồng thời tiến hành rà soát các điều kiện để gia hạn cho lao động nước ngoài, loại bỏ các quy định hạn chế, cản trở người lao động chuyển việc và bị phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động khi muốn gia hạn hợp đồng. Cùng với đó việc xét duyệt và hoàn thành các quy định tái nhập cảnh cũng cần được đơn giản hóa.