Bị từ chối giải quyết chế độ BHXH một lần vì những lý do khách quan khiến người lao động bức xúc
Sau khoảng 18 năm đóng BHXH và tròn 1 năm nghỉ việc, năm 2023, bà P.T.H. (tỉnh Bình Dương) đã đến cơ quan BHXH làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, do phát sinh 2 số sổ BHXH và thời gian đóng trùng, cơ quan BHXH đã từ chối giải quyết. Để được hưởng quyền lợi, bà H. đã khởi kiện ra tòa.
Tình huống đã rõ, giải pháp chưa có
Bà H. cho hay từ tháng 1-2004 đến tháng 3-2022, bà làm việc, tham gia BHXH lần lượt tại 2 đơn vị gồm: Công ty TNHH Quốc tế C.T (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương, từ tháng 1-2004 đến 1-2005) và Công ty TNHH May mặc K.L (KCX Linh Trung, TP Thủ Đức, TP HCM, từ tháng 7-2005 đến 3-2022).
Tháng 4-2023, bà H. đi làm thủ tục nhận BHXH một lần thì rất bất ngờ trước thông tin bản thân có thêm 1 số sổ BHXH khác, trong đó thể hiện quá trình đóng từ tháng 6-2004 đến 2-2005 tại Công ty TNHH Công nghiệp T.S (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương).
Bà H. khẳng định chưa từng làm việc tại công ty này; không cho ai mượn chứng minh nhân dân (CMND) hay hồ sơ cá nhân để đi xin việc, cũng không giữ sổ BHXH nói trên. Chỉ có trước đó, vào khoảng tháng 3-2004, bà H. từng bị mất CMND, phải về quê ở Nghệ An làm lại vào tháng 2-2005.
Dù sau đó hợp đồng lao động giữa bà H. và Công ty TNHH Công nghiệp T.S được tòa án tuyên vô hiệu, song bà H. vẫn khá bất bình bởi những rắc rối không đáng có. Theo bà H. việc ai đó dùng CMND của bà để đi xin việc, từ đó phát sinh thời gian đóng trùng BHXH không phải là lỗi của bà.
Liên quan đến vấn đề người lao động (NLĐ) sử dụng hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), dẫn đến trùng thời gian tham gia BHXH, tại Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH, ngày 31-5-2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có công văn hướng dẫn. Theo đó, trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực”, nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định của Bộ Luật Lao động nên thuộc trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.
Thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu thuộc thẩm quyền của tòa án. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thúy Vân (quận 1, TP HCM), hướng dẫn này chưa tháo gỡ hết một số vướng mắc mà bà và nhiều NLĐ đang gặp phải. Không ít NLĐ nộp đơn khởi kiện yêu cầu tuyên HĐLĐ vô hiệu nhưng bị tòa án trả lại đơn, không thụ lý.
Chẳng hạn như trường hợp phát sinh thời gian đóng trùng tại đơn vị sử dụng lao động đã giải thể (tòa cho rằng không có chủ thể để khởi kiện) hay như trường hợp người mượn hoặc người cho mượn hồ sơ đã chết, mất tích, không còn cư trú tại Việt Nam hoặc không xác định được nơi cư trú… Bà Vân đã từng gửi kiến nghị trên cổng thông tin của Bộ LĐ-TB-XH đề nghị có giải pháp tháo gỡ, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Quýt làm, cam chịu
Ngoài vướng mắc nêu trên, hiện nay không ít NLĐ có nhu cầu nhưng không được giải quyết hưởng BHXH một lần do trong quá trình đóng có thể hiện thời gian doanh nghiệp (DN) nợ BHXH.
Trường hợp của bà Hồ Thị Kim Chi (quận 8, TP HCM) là ví dụ. Bà Chi từng làm việc tại Công ty CP Thiết kế Xây dựng T.G.K.T (quận 8, TP HCM) từ tháng 9-2018 đến 2-2020, nhưng công ty này chỉ đóng BHXH cho bà đến tháng 7-2019. Ngày 7-8-2023, bà Chi nộp hồ sơ yêu cầu hưởng chế độ BHXH 1 lần nhưng bị BHXH quận 8 trả lại do công ty còn hoạt động nhưng chưa khắc phục nợ BHXH.
Tương tự, ông Nguyễn Đại Thắng có thời gian tham gia BHXH gần 19 năm tại nhiều DN. Tháng 2-2023, ông Thắng nghỉ việc tại Công ty TNHH H.T (quận 1, TP HCM) và ra nước ngoài làm việc. Mới đây, ông Thắng đã ủy quyền cho anh trai đến cơ quan BHXH làm thủ tục rút BHXH một lần thì không được giải quyết do vướng 2 tháng nợ BHXH tại Công ty TNHH H.T. Anh trai ông Thắng đã liên hệ Công ty TNHH H.T yêu cầu khắc phục nợ nhưng công ty cho hay đang gặp khó khăn về tài chính.
“Theo quy định hiện hành, em tôi không thể tự bỏ tiền khắc phục nợ BHXH của DN, cũng không thể khởi kiện DN ra tòa do đang ở nước ngoài. Điều đáng nói là DN chỉ nợ 2 tháng mà cả quá trình tham gia BHXH của em tôi bị treo? Điều này không công bằng với NLĐ” – anh trai ông Thắng bày tỏ.
Trước đó, để giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH, ngày 21-6-2023, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn 1880/BHXH-CSXH. Song, công văn này chưa giải quyết triệt để quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH. Theo công văn này, các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH bao gồm: Đơn vị đang làm thủ tục phá sản; Đơn vị đã có quyết định phá sản của tòa án; Đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; Đơn vị không có người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp bà Chi, ông Thắng bị “lọt sổ” vì DN chưa đóng đủ BHXH nhưng vẫn còn hoạt động. Cùng với đó, với lý do để bảo đảm quyền lợi lâu dài, những trường hợp có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH) cũng bị công văn này loại trừ chưa biết đến khi nào mới được hưởng quyền lợi.
Thu hồi tiền hưởng BHXH một lần sai quy định
BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 333/BHXH-CSBH gửi BHXH các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện giải quyết hưởng BHXH một lần. Theo đó, đối với các trường hợp hưởng BHXH một lần không đúng quy định, cơ quan BHXH xác định cụ thể nguyên nhân; hủy quyết định hưởng BHXH một lần, quyết định điều chỉnh mức hưởng trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ (nếu có), đồng thời thu hồi số tiền đã chi không đúng về quỹ BHXH và khôi phục quá trình tham gia BHXH đã hưởng BHXH một lần.
Trường hợp phát hiện người có nhiều mã số BHXH hoặc có thời gian đóng BHXH không đúng quy định đã hưởng BHXH một lần (đóng không đúng đối tượng, đóng trùng) thì thực hiện hủy quyết định hưởng; thu hồi số tiền đã chi và hoàn trả số tiền đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định; thu hồi tiền NLĐ đã hưởng các chế độ phát sinh do quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định đó (nếu có).