Bài và ảnh: HUỲNH NHƯ
Nhiều doanh nghiệp đến tận các trường cao đẳng, đại học để săn đón các ứng viên tiềm năng, nhất là lao động kỹ thuật
Trong quý III và IV/2023, nhiều trường cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trên địa bàn TP HCM đã tổ chức hàng loạt ngày hội việc làm (NHVL) dành cho sinh viên (SV). Một số trường còn tổ chức NHVL trong lễ tốt nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho SV tìm việc làm.
“Chọn mặt gửi vàng”
NHVL do Trường CĐ Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) đã tổ chức mới đây thu hút sự tham gia của 30 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, mang đến nhiều cơ hội kiến tập, thực tập, việc làm dành cho SV ở các ngành nghề như: điện – điện tử; cơ khí, nhiệt lạnh, động lực, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, may – thời trang, kinh tế, xây dựng, nhà hàng – khách sạn… Nhiều DN đưa ra mức lương cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút ứng viên, nhất là lao động kỹ thuật.
Ông Nguyễn Ngọc Đô, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Halo Thợ, cho biết hiện DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn các thợ máy lạnh, điện, nước, xây dựng, điện tử gia dụng… bao gồm cả lao động bán thời gian và toàn thời gian. Khi vào làm, ứng viên có mức lương từ 7 – 12 triệu đồng/tháng; DN đóng BHXH, bảo hiểm nhân thọ, thưởng đạt định mức, đào tạo tay nghề miễn phí… cho người lao động. Không chỉ riêng Halo Thợ, nhiều DN khác cũng đến các trường CĐ, ĐH uy tín săn đón lao động có tay nghề. “Kiến thức chuyên môn SV đã có, do vậy chỉ cần 1 – 3 tháng bổ sung thêm kỹ năng là SV có thể bắt nhịp với công việc” – ông Đô nói.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh, Công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến (quận Tân Bình) không chỉ săn đón SV đã tốt nghiệp mà còn tiếp nhận SV năm 2, 3 đến thực tập, kiến tập thông qua các thỏa thuận đào tạo. Ông Nguyễn Phước Lộc, Quản lý nhà máy Công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến, cho hay các địa chỉ đào tạo được DN “chọn mặt gửi vàng” là Trường CĐ Lý Tự Trọng, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường Trung cấp (TC) Kinh tế – Kỹ Thuật Long An. “Mỗi năm, tùy vào tình hình sản xuất – kinh doanh, DN sẽ nhận từ 150 – 200 ứng viên đến để học việc, SV tham gia liên kết đào tạo thường có tay nghề vượt trội hơn. SV làm được việc, DN sẵn sàng trả lương, hỗ trợ ăn ở, đi lại. Những SV có thành tích khá, giỏi hoặc thực hành tốt sẽ được DN bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, không phải mất thời gian thử việc” – ông Lộc cho hay.
TS Đinh Văn Đệ, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho biết số lượng SV tham gia NHVL tháng 11 vừa qua lên đến 10.000, trong đó có 1.000 SV mới tốt nghiệp và 2.500 SV dự kiến tốt nghiệp trong năm 2023. “Nhờ phối hợp chặt chẽ với DN trong cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, đưa người học đến DN thực tập, kiến tập, nhiều SV đã có công việc ổn định ngay khi rời ghế giảng đường” – TS Đệ nói.
Không ngừng đổi mới đào tạo
TP HCM hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các loại hình gồm trường CĐ, TC, trung tâm GDNN, trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên và các DN có đăng ký hoạt động GDNN. Trong đó, đào tạo ở DN chiếm số lượng nhiều nhất với 178 cơ sở, tiếp đến là trường CĐ (62 cơ sở) và trường TC (60). Các cơ sở đào tạo này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho thị trường lao động phía Nam.
TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết để gắn đào tạo với việc làm, trường đã lập ra ban cố vấn công nghiệp với sự tham gia của hơn 200 DN. Qua đó, cùng hợp tác xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cơ sở vật chất… nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN. Bên cạnh đó, nhà trường còn tiếp nhận ý kiến giáo viên, SV năm cuối và cựu SV, từ đó “gạn đục khơi trong”, điều chỉnh để không ngừng đổi mới công tác đào tạo.
“Nhà trường hiện đào tạo 18 ngành nghề, trong đó có 4 ngành đạt kiểm định ABET (Mỹ) và 1 ngành đào tạo theo mô hình KOSEN (Nhật Bản). Hằng năm, trường ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho nhiều DN không chỉ trên địa bàn TP HCM mà còn có các tỉnh lân cận. Hiện SV tốt nghiệp mỗi năm không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN đang ký kết hợp tác với trường” – TS Kha nói. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, TS Kha cho hay trong công tác đào tạo, nhà trường còn chú trọng tổ chức kỷ luật và tăng cường giáo dục tác phong công nghiệp. Qua đó, đào tạo ra thế hệ SV vững kiến thức – giỏi tay nghề, có kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề và kỹ năng sử dụng công nghệ mới.
Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng Thu hút nhân tài – Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết nhờ thường xuyên đặt mối quan hệ với các trường CĐ, ĐH nên DN được hỗ trợ nhiều trong tuyển dụng nhân sự, nhất là với đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề. “Đến các trường ĐH, CĐ để tuyển dụng, DN nhận được kết quả rất khả quan, đặc biệt là những nơi có gắn kết đào tạo với DN. Riêng các ứng viên được tuyển dụng từ năm 2, 3 không chỉ tiệm cận với nhu cầu của DN mà còn gắn bó hơn so với lao động DN tự tuyển dụng” – ông Đức nhìn nhận.
23 doanh nghiệp Nhật Bản tuyển hơn 2.000 vị trí việc làm
“NHVL Cao Thắng – DN Nhật Bản” do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng phối hợp với Viện Công nghệ Quốc gia tại Nhật Bản (KOSEN) tổ chức sáng 8-12. Ngày hội thu hút 23 DN Nhật Bản (21 tại Việt Nam và 2 tại Nhật Bản) tham gia tuyển dụng hơn 2.000 vị trí việc làm thuộc các nhóm ngành cơ khí, cơ – điện tử, công nghệ thông tin với đa dạng ngành nghề như: nhân viên IT, kỹ thuật hàn, quản lý chất lượng, kỹ thuật cơ khí, phiên dịch kỹ thuật, marketing…
Nguồn: https://nld.com.vn/san-don-ung-vien-tiem-nang-196231208212450628.htm