GIANG NAM
Việt Nam và Nhật Bản sẽ thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến chi phí đối với chương trình phái cử thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản, hướng đến xóa bỏ chi phí
Theo thống kê của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong 15 nước phái cử thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng TTS nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng TTS đang thực tập tại nước này. Tính đến hết tháng 10-2022, có hơn 1,82 triệu người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, trong đó người lao động (NLĐ) Việt Nam đông nhất, lên tới 462.384 người, chiếm 25,4%. Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong tổng số 142.779 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022, có 67.295 lao động chọn đến Nhật Bản làm việc.
Người lao động “gánh” quá nhiều khoản phí
Hiện nay, Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo các hình thức như: chương trình TTS kỹ năng; chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (EPA); chương trình lao động kỹ năng đặc định; chương trình lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên…
Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA) phối hợp tổ chức Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam – Nhật Bản năm 2023 với chủ đề “Tối ưu hóa giao lưu nhân lực – Hướng đến mục tiêu tuyển dụng theo tiêu chuẩn quốc tế”. Báo cáo tại diễn đàn cho thấy NLĐ Việt Nam được các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Nhật Bản. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc tại Nhật Bản và đều mong muốn được học hỏi thêm và làm việc tại nước này.
Một vấn đề lớn được các đại biểu tham dự diễn đàn quan tâm đó là khoản chi phí mà NLĐ phải trả để sang Nhật Bản làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao. Thông tin tại diễn đàn, hiện nay, chi phí trung bình mà NLĐ Việt Nam phải bỏ ra để đi Nhật Bản làm việc đang cao hơn cả Trung Quốc, Campuchia và gấp 4 lần Philippines. Số tiền để nộp và vay nợ trung bình của TTS Việt Nam khi sang Nhật Bản làm việc là khoảng 120 triệu đồng. Khoản tiền này đang ở ngưỡng cao nhất trong 15 nước phái cử lao động sang Nhật Bản. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được các chuyên gia chỉ ra như việc không tuân thủ quy định cấm thu tiền thế chấp, tiền bảo lãnh; chi phí cho người môi giới cao. Việc địa phương có ít hoặc không có cơ sở đào tạo dẫn đến NLĐ phải tốn chi phí đi lại, sinh hoạt tại các trường dạy tiếng Nhật ở nơi khác…
Một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản. Việc trả phí tuyển dụng cao làm tăng tính dễ bị tổn thương của NLĐ khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi là vài năm, thậm chí một số trường hợp bị vướng vào mua bán người.
Hướng đến phí 0 đồng
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử TTS kỹ năng, lao động đặc định Việt Nam sang Nhật Bản.
Để giảm chi phí cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, ông Hương nhấn mạnh Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của NLĐ trái pháp luật; thu tiền môi giới của NLĐ; thu tiền dịch vụ của NLĐ không đúng quy định của luật. Ngoài ra, theo quy định mới, TTS kỹ năng, hộ lý, lao động đặc định khi đi làm việc tại Nhật Bản sẽ không phải trả tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền giáo dục định hướng. Tương tự, đối với chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, NLĐ chỉ trả một phần theo quy định, đối với lao động đặc định thì được đào tạo miễn phí.
Ông Shishido Kenichi, cố vấn đặc biệt của JICA, cho biết đến năm 2030, Nhật Bản cần thêm 630.000 nhân lực nước ngoài. Gần đây, Nhật Bản đang có những động thái cải thiện môi trường làm việc, tăng chế độ đãi ngộ với lao động nước ngoài để thu thút thêm nguồn lao động mới trong tương lai. Cuối năm 2022, các cơ quan Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về cơ chế mới, làm sao để NLĐ nước ngoài sang Nhật Bản không mất chi phí, yên tâm làm việc và gắn bó, phát triển bền vững. Trong khí đó, bà Setsuko Ikeda, Chủ tịch JIFA, cho biết JIFA đang thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật cấp cơ sở dành cho chương trình xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với chi phí thấp (Zero Fees). Theo đó, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên được tổ chức JIFA tìm hiểu và thực hiện dự án Zero Fees. Chủ tịch JIFA cho rằng những khoản chi phí mà TTS đang phải gánh chịu quá lớn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Do đó, phía JIFA đã trao đổi, làm việc với nhiều DN Nhật Bản về chương trình Zero Fees và được các đơn vị đồng tình, sẵn sàng đồng hành cùng dự án nhằm giảm chi phí đến mức thấp nhất cho NLĐ muốn sang Nhật Bản làm việc.
Công bằng cho người lao động
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch VAMAS, nhấn mạnh rằng con đường chi phí 0 đồng cho NLĐ tới Nhật Bản làm việc là con đường dài nhưng sẽ ngắn hơn nếu các đơn vị tuyển dụng, DN, cơ quan chức năng cùng vào cuộc, nỗ lực của các bên để NLĐ không phải chịu sự thiệt thòi trong mức phí quá cao. Mặt khác, cần sự thảo luận của phía Nhật Bản, bao nhiêu DN chấp nhận giảm phí hoặc phí 0 đồng đối với NLĐ Việt Nam; mức lương của NLĐ đi theo phí 0 đồng hoặc có phí sẽ được cân đối như thế nào, tiến tới công bằng đối với NLĐ.