Sinh Viên Nên Chú Tâm Học Hay Đi Làm Thêm
Chủ đề tập trung học hay đi làm thêm luôn là đề tài hot để bàn luận. Hãy cùng VIECVUI tìm ra câu trả lời cho câu hỏi Sinh Viên Nên Chú Tâm Học Hay Đi Làm Thêm nhé!
Sinh Viên Nên Chú Tâm Học Hay Đi Làm Thêm. Đối với sinh viên, có một trăn trở không hề mới, nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Chắc hẳn dù đã tham khảo hàng trăm ý kiến của mọi người xung quanh, nhưng có lẽ các bạn cũng khó lòng có được một đáp án đúng 100% cho bản thân mình về vấn đề này. Vậy trước hết, hãy cùng mổ xẻ cả hai mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề.
Tại sao sinh viên nên đi làm thêm?
- Giảm gánh nặng chi phí
Chắc hẳn không ít bạn cảm thấy thật nhiều điều muốn làm khi vừa vượt vũ môn quan thành công hóa rồng. Và hầu hết những trải nghiệm mới mẻ ấy không thể sẽ khó mà thực hiện được nếu thiếu hụt tài chính. Càng mong muốn được vẫy vùng, các bạn chắc hẳn sẽ càng thấy nhu cầu độc lập tài chính càng cao. Và các bạn liên tưởng đến giải pháp đi làm thêm. Tuy không thể nói làm thêm sẽ giải quyết được hoàn toàn vấn đề tiền bạc, nhưng tối thiểu, các bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn một chút về hầu bao của mình.
- Tăng thêm kinh nghiệm
Không chỉ là kinh nghiệm nghề nghiệp, mà là còn là kinh nghiệm sống. Chỉ khi ra khỏi sự chở che của cha mẹ, yêu thương của người thân và bạn bè; chỉ khi một tiếng “dạ”, hai tiếng “vâng”, ba câu “xin lỗi” trở thành câu cửa miệng, các bạn mới có những bài học để dần trưởng thành. Không chỉ là tích cóp những thành tích công việc, nhiều khi còn nhận được những bài học cay đắng, thì các bạn mới có đủ kinh nghiệm để vươn mình lên cao hơn trong sự nghiệp.
- Kỹ năng sắp xếp thời gian và chịu đựng áp lực
Chạy “show” giữa đi học và đi làm sẽ giúp sinh viên thích nghi với việc sắp xếp thời gian hợp lý cho cả đôi bên, vì không phải lúc nào việc làm và việc học cũng có thể cố định theo ý bạn. Thực tế là lúc này lúc kia sẽ có những sự cố phát sinh ngoài dự kiến mà bạn phải xử lý, phải tìm cách giải quyết sao cho trọn vẹn nhất. Cách thức vượt qua, khả năng giải quyết những áp lực, những tình huống căng thẳng đó sẽ đúc kết cho bạn những kinh nghiệm cực kì hữu ích cho công việc về sau, giúp bạn có một tâm lý vững vàng hơn, sự sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý hơn trong những lúc bộn bề công việc mà quỹ thời gian của bạn thì eo hẹp.
- Nhận ra được giá trị đồng tiền
Nếu trước đó chỉ toàn được “nhận tài trợ” từ cha mẹ, thì nay các bạn sinh viên sẽ dần thấm thía được từng giọt mồ hôi, thậm chí cả nước mắt để có được đồng tiền tiêu xài; để thấy được sự vất vả của cha mẹ, để biết trân trọng sức lao động mà không lãng phí.
Vậy cớ gì không nên làm thêm?
- Không tập trung vào việc học
Đây là lý do hàng đầu mà các quý phụ huynh đưa ra để ngăn cản con em mình làm thêm. Và phụ huynh không phải là không có lý. Đã có không ít bạn sinh viên sa đà vào việc làm thêm mà quên đi mục đích chính của mình. Các bạn lao vào kiếm tiền, chán nản với việc học vô vị, không hái ra tiền, và rồi ưu tiên cho việc làm thêm hơn, dẫn đến cúp tiết, bỏ môn rồi cuối cùng là bỏ học. Khi bạn cảm thấy giờ làm của mình nhiều hơn giờ học, chính là lúc bạn nên ngồi lại và tự điều chỉnh. Hãy nhìn xa hơn và đừng quên chặng đường dài phía trước. Thế giới không có nhiều Bill Gates, Steve Jobs, hay Mark Zuckerberg đâu.
- Bị kéo theo sức hút của đồng tiền
Sinh viên bước vào ngưỡng cửa cao đẳng, đại học, là bước vào một môi trường hoàn toàn mới và khác biệt so với khi còn học phổ thông. Ở lứa tuổi này, các bạn đang tràn đầy nhiệt huyết và muốn khẳng định mình qua cách ăn mặc, cách chi dùng; muốn mở rộng nhiều mối quan hệ mới (tình bạn, tình yêu…)…. vì thế nhu cầu chi tiêu cá nhân ngày càng cao khiến cho các bạn dễ bị đồng tiền hấp dẫn.
Tới đây chắc bạn cũng đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi Sinh Viên Nên Chú Tâm Học Hay Đi Làm Thêm rồi.
Việc làm thêm không bao giờ là điều hại nếu các bạn biết đắn đo nặng nhẹ. Và lời khuyên dành cho các bạn đó là thời gian trên giảng đường sẽ không đáng là bao so với quãng đường nghề nghiệp sau này đâu.
Hãy có lựa chọn sáng suốt nhất cho cả việc học và việc làm nhé!
— HR Viecvui —
Viecvui – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam