(NLĐO)- Nếu đề xuất dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua thì khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định hiện hành tại Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trên đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 111 của dự thảo quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp:
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;
– Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;
– Người lao động hưởng lương hưu;
– Người lao đông đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.
Đề xuất người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khiến chị Lê Kim Phụng, công nhân một công ty tại quận Bình Tân, TP HCM, khá hoang mang. Theo chị Phụng, là người làm công hưởng lương và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương và không ai muốn mình rơi vào cảnh thất nghiệp. Đôi khi người lao động phải chủ động xin nghỉ việc vì nhiều lý do và vì không có sự lựa chọn nào khác. Hơn nữa, nếu cho rằng người lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì so với thu nhập (gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng…) khi còn đi làm, trợ cấp thất nghiệp (60% lương cơ bản) thấp hơn nhiều, không đủ đảm bảo cuộc sống. Vậy nên chị Phụng mong mỏi nếu không thể tăng thì cũng đừng siết giảm quyền lợi của người lao động khi sửa đổi Luật Việc làm.