Ý thức tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và người lao động chưa cao dẫn đến thiệt hại về con người và tài sản do tai nạn lao động vẫn ở mức cao
Gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra tại một số địa phương, báo động về tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ).
Thiệt hại khôn lường
Ngày 15-4, khi một nhóm công nhân (CN) đang sửa chữa mái kính khu vực giếng trời tại một tòa nhà cao 8 tầng trong ngõ Tức Mặc (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) thì bất ngờ gặp sự cố. Mái kính vỡ khiến các CN rơi xuống đất, trong đó 2 người đã tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ (23 và 32 tuổi), 2 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện.
Cùng ngày, khi nhóm CN (5 người) đang phá dỡ ngôi nhà 3 tầng ở đường Nguyễn Văn Linh, xã An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) để trả mặt bằng thi công nút giao Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5, thì ban công tầng hai bất ngờ đổ sập. Nam CN 31 tuổi đã rơi từ độ cao hơn 4 m xuống đất, tử vong tại chỗ.
Trước đó, vào ngày 3-4, tại Công ty Than Thống Nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – TKV (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cũng xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến 4 CN tử vong, 7 người khác bị thương. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân sự cố do cháy khí mê-tan.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) công bố vào cuối tháng 3-2024, trong năm 2023 chỉ có khoảng 7,52% doanh nghiệp (DN) tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước báo cáo về tình hình TNLĐ. Tuy tỉ lệ DN báo cáo thấp nhưng các con số thống kê về TNLĐ không hề nhỏ.
Năm qua đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ với số NLĐ bị nạn là 7.553 người. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 662 vụ với 699 người (giảm 7,29%); số người bị thương nặng là 1.720 người (tăng 4,43%). Lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất là xây dựng (chiếm 18,27%); khai thác mỏ, khoáng sản (16,14%); cơ khí, luyện kim (11,78%); sản xuất vật liệu xây dựng (9,56%,); dệt may, da giày (7,18%); dịch vụ (4,5%)…
Cũng theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, thiệt hại về vật chất từ các vụ TNLĐ (chi phí tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình nạn nhân…) năm qua là trên 16.357 tỉ đồng, tăng khoảng 2.240 tỉ đồng so với năm 2022. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 722 tỉ đồng (tăng khoảng 454 tỉ đồng); tổng số ngày nghỉ của NLĐ do TNLĐ là trên 149.770 ngày (tăng 6.302 ngày). Ngoài một số vụ TNLĐ nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2023, có 10 vụ TNLĐ đã được các địa phương đề nghị khởi tố và 9 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.
Khoảng trống quyền lợi người lao động
Phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người, Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra rằng nguyên nhân TNLĐ chủ yếu xuất phát từ phía người sử dụng lao động (NSDLĐ) chiếm 46,05% tổng số vụ và 4,37% tổng số người chết.
Cụ thể, do NSDLĐ tổ chức lao động và điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu; không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) chưa đầy đủ cho NLĐ; không trang bị hoặc trang bị phương tiện, thiết bị bảo vệ cá nhân không bảo đảm ATLĐ. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ việc NLĐ vì vi phạm quy trình, quy chuẩn ATLĐ (chiếm 15,85%). Số còn lại là do tai nạn giao thông hoặc nguyên nhân khách quan khó tránh.
Đáng chú ý là năm qua, số người chết do TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm (khoảng 10,9%) nhưng lại tăng ở khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động (169 người chết, tăng 10 người tương ứng với 6,3% so với năm 2022). Tuy nhiên, công tác điều tra TNLĐ đối với khu vực không có hợp đồng lao động (HĐLĐ) chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo HĐLĐ của UBND cấp xã còn rất hạn chế. Thêm vào đó, do không giao kết HĐLĐ nên quyền lợi NLĐ chưa được bảo đảm.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, NSDLĐ và NLĐ chủ động triển khai công tác AT-VSLĐ, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại DN; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về AT-VSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, đồng thời tổ chức huấn luyện AT-VSLĐ cho NLĐ.
Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định AT-VSLĐ của các DN, đặc biệt là DN hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, có sử dụng thiết bị nâng, thang máy…
Bảo đảm an toàn nơi làm việc
Theo Ban Chỉ đạo Tháng hành động về AT-VSLĐ Trung ương, Tháng hành động về AT-VSLĐ năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31-5-2024 trên toàn quốc với chủ đề “Tăng cường bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Dự kiến, lễ phát động Tháng hành động về AT-VSLĐ sẽ diễn ra vào ngày 26-4-2024 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), kết hợp với lễ phát động Tháng Công nhân. Bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho NLĐ, thân nhân NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tại lễ phát động, Hội đồng Quốc gia về AT-VSLĐ sẽ tổ chức chương trình đối thoại với DN, NLĐ về công tác bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc.