(NLĐO)- Để đảm bảo tính nhân văn nên ưu tiên tăng lương hưu đối với những người có mức lương hưu còn thấp.
Mỗi ngày của bà Lê Thị Thanh (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM) là thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, ghé chợ đầu mối mua thịt cá, rau, gia vị… Xong các thứ bà đến quán ăn đang làm bắt đầu sơ chế, nấu nướng, múc thức ăn cho khách. Khoảng 14 giờ hết khách ăn cơm, bà về nhà và chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo. Bà Thanh là người đang lãnh lương hưu với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nghe sắp được tăng lương hưu bà khấp khởi mừng.
7 năm trước, bà Thanh là công nhân một công ty sản xuất mì tại quận 12, TP HCM. Với 25 năm làm việc cần mẫn, bà nghĩ lương hưu chắc cũng đủ sống. Nhưng thực tế lương hưu của bà chỉ 1,9 triệu đồng/tháng. Cầm mức tiền lương hưu 1,9 triệu đồng một tháng, thời điểm đó bà buồn và hơi thất vọng sau gần 25 năm làm việc, đóng BHXH. Trong khi đó ở TPHCM, với mức lương hưu 1,9 triệu đồng thì làm sao sống, làm sao để trang trải. Để đảm bảo cuộc sống, bà đành phải tiếp tục đi làm công việc phụ quán ăn.
Hiện nay, qua các lần điều chỉnh tiền lương hưu hàng năm, mức thu nhập hàng tháng từ tiền lương hưu của bà được 2,5 triệu đồng. Vẫn không thể sống được với mức lương này, bà phải đi làm thêm mỗi ngày.
Mới đây Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương hưu từ ngày 1.7.2024 (cùng với đợt cải cách tiền lương). Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì phải tăng lương hưu ít nhất lên 15%. Có thể nói đây là tin vui đối với rất nhiều người lao động hiện đã và đang nghỉ hưu, nhất là đối với những người có mức tiền lương hưu là thu nhập hằng tháng còn thấp.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt nam (TP Thủ Đức, TP HCM), cho hay việc điều chỉnh, tăng tiền lương hưu lên 15% cũng là cách để tạo thêm động lực, tạo thêm niềm tin của người lao động vào chính sách nhân văn của luật BHXH, nhất là tính hấp dẫn của chính sách lương hưu. Điều này động viên người lao động tiếp tục động lực cống hiến, làm việc cho đến khi hết tuổi lao động, đủ tuổi đời, tuổi nghề, đủ thời gian tham gia, đóng BHXH để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí mà không phải băn khoăn việc nên hay không rút BHXH một lần.
“Việc quan tâm điều chỉnh, tăng tiền lương hưu, tăng mức trợ cấp BHXH hàng tháng đối với những đối tượng có mức thu nhập hằng tháng thấp cũng là chính sách nhân văn, thể sự hiện sự quan tâm, chăm lo để người lao động bớt đi phần nào nỗi lo cơm áo gạo tiền. Mức lương hưu khi mới bắt đầu về hưu nên bằng với mức lương tối thiểu vùng thì sẽ hạn chế người lao động rút 1 lần”- bà Yến đề xuất.