Bài và ảnh: TRUNG NAM
Từ sự chuyển mình của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt trong hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, cao nhất từ trước đến nay (tăng 8,55% so với năm 2022). Kết quả này tiếp tục khẳng định chủ trương đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc của Việt Nam rất đúng hướng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong bối cảnh thị trường lao động trong nước gặp nhiều khó khăn.
Những kỷ lục
Đang giữ kỷ lục số lượng lao động ra nước ngoài làm việc năm vừa qua là tỉnh Nghệ An. Địa phương này đã đưa khoảng 24.000 lao động sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, chiếm 15% số người cả nước ra nước ngoài làm việc. Đáng chú ý, lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (visa E9) đạt số lượng cao nhất cả nước khi có đến 3.777 lao động đăng ký dự thi các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (tăng 1.315 lao động so với năm trước).
Nhiều năm qua, Nghệ An là địa phương được đánh giá tích cực, tranh thủ tối đa các nguồn vốn, làm tốt nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm và đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh này đang triển khai 23 chương trình tín dụng gắn với mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và XKLĐ. Chỉ trong năm 2023, Nghệ An đã giải quyết cho 10.583 lượt lao động vay vốn giải quyết việc làm với tổng vốn giải ngân là 630 tỉ đồng.
Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa cho biết năm qua toàn tỉnh có 14.710 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tăng hơn 25% so với năm 2022). Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 36.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Qua thống kê, số tiền NLĐ Thanh Hóa gửi về gia đình hằng năm ước tính khoảng 150 triệu USD (tương đương 3.450 tỉ đồng). Đời sống kinh tế của nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài đã thay đổi diện mạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Một địa phương khác ở miền Trung có số lượng NLĐ ra nước ngoài làm việc nhiều trong năm vừa qua là tỉnh Hà Tĩnh, với hơn 12.000 người. Trong đó, có 5.349 NLĐ đi làm tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản 4.519 người, Hàn Quốc 1.408 người, còn lại là các thị trường khác.
Còn tại Ninh Bình, dù số lượng còn khiêm tốn nhưng với 2.036 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm 2023, địa phương này đã lập kỷ lục số lượng cao nhất từ trước tới nay trong hoạt động XKLĐ. Đó là nỗ lực của Ninh Bình trong việc thay đổi nhận thức, tích cực tuyên truyền, kết nối các DN dịch vụ uy tín để tuyển dụng, đào tạo hàng ngàn lao động để đưa ra nước ngoài làm việc.
Bắc Giang cũng tăng 15% số lượng lao động xuất ngoại khi đưa trên 2.200 lao động trong năm qua. Đến nay, Bắc Giang có khoảng 16.500 người đi XKLĐ, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp.
Giải quyết việc làm bền vững
Các địa phương làm tốt công tác XKLĐ đều nhận định việc đưa NLĐ tỉnh nhà ra nước ngoài làm việc sẽ giúp địa phương giải quyết việc làm theo hướng bền vững, hiệu quả hơn. Đồng thời, cải thiện đời sống người dân và dần hình thành lực lượng lao động có tay nghề, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh những thị trường truyền thống, các địa phương cũng khẳng định sẽ nghiên cứu, thăm dò, mở rộng những thị trường, ngành nghề mới với việc làm phù hợp, ổn định và thu nhập cao.
Bên cạnh đó, sẽ có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề, ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Năm 2023, Trà Vinh đưa 1.635 người đi XKLĐ, vượt 187% so với kế hoạch đặt ra. Ông Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, cho biết bằng nhiều chính sách, biện pháp được triển khai mạnh mẽ, hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc trong thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc.
Trà Vinh đã liên kết, hợp tác với nhiều đơn vị uy tín từ TP HCM đến tuyển dụng và đào tạo tại tỉnh để tạo điều kiện tối đa cho NLĐ, nhất là hỗ trợ NLĐ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín chấp để đi XKLĐ. Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ không hoàn lại đối với NLĐ, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tỉnh Quảng Nam cũng là điểm sáng trong hoạt động XKLĐ. Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, cho biết trong năm 2023, toàn tỉnh đã đưa được gần 1.800 người ra nước ngoài làm việc, vượt xa kế hoạch đề ra. Ngoài việc chọn lọc các doanh nghiệp (DN) dịch vụ uy tín, tỉnh cũng đang nỗ lực kết nối với các địa phương, các nhà tuyển dụng đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc tìm cơ hội hợp tác tuyển dụng trực tiếp NLĐ Quảng Nam.
Vốn được đánh giá là “vùng trũng” trong hoạt động XKLĐ nhưng thời gian vừa qua, Đắk Nông đã thực hiện tốt công tác đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Kết quả trong năm qua, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh là 602 người (đạt 301% kế hoạch). Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Nông, khẳng định đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là phương án giảm nghèo nhanh, bền vững và cần đẩy mạnh trong thời gian tới. “Tuy số lượng còn ít so với các tỉnh khác song kết quả đó là cả một nỗ lực của các cấp chính quyền, sở, ban ngành địa phương kiên trì thực hiện” – ông Nam nói.
Bảo hộ công dân Việt Nam tại vùng có động đất ở Nhật Bản
Sau trận động đất lớn xảy ra ở miền Trung Nhật Bản vào chiều 1-1, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đề nghị các DN đưa NLĐ đến làm việc tại khu vực có động đất tại Nhật Bản thực hiện công tác bảo hộ NLĐ, xác định sự an nguy và kịp thời ứng phó trước các tình huống khẩn cấp.
Theo đó, các DN liên hệ ngay với NLĐ đang làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình, thống kê số lượng NLĐ bị ảnh hưởng, gặp khó khăn cần được hỗ trợ gấp; phối hợp chặt chẽ với nghiệp đoàn quản lý, công ty tiếp nhận và các bên có liên quan nắm tình hình và phương án ứng phó, hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của NLĐ như tạm thời không cho ở trong các nhà cũ, không chắc chắn, có nguy cơ đổ sập do động đất…; kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống, lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp.
Thông báo tới NLĐ số điện thoại liên lạc khẩn cấp tại Nhật Bản của Ban Quản lý lao động (+81.70.1479.6888) và Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo (+81.80.3590.9136).
Nguồn: Tại đây