(Dân trí) – Tính đến tháng 11/2023, số lao động đang làm việc đã qua đào tạo tại TPHCM là 118.685/117.000 người, đạt 101,44% kế hoạch năm, vượt chỉ tiêu năm 2023 trước 1 tháng.
Ngày 5/12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị giao ban ngành tháng 11.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM, bà Trần Thị Thanh Hằng, Chánh văn phòng Sở, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 11 và 11 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ của tháng 12.
Theo đó, tính đến tháng 11 năm 2023, số lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 118.685/117.000 người, đạt 101,44% kế hoạch năm. Trong đó, trình độ đại học trở lên là 6.461 người; trình độ cao đẳng là 17.714 người; trình độ trung cấp là 5.085 người; trình độ sơ cấp, thường xuyên là 89.425 người.
Hiện tổng số lao động qua đào tạo của thành phố là gần 4,5 triệu người, đạt tỷ lệ 87,27% trong tổng số người trong độ tuổi lao động, tăng 0,82% so với cùng kỳ.
Tính đến nay, công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp đạt 317.439 người, vượt kế hoạch năm 2023 (315.000 người), tăng 11,61% so với cùng kỳ.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 4.761 người, đạt 117,56% kế hoạch năm (4.050 người), tăng 25,32% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho 291.985/300.000 lượt người (đạt 97,33% kế hoạch năm), trong đó tạo việc làm mới là 131.865/140.000 lượt lao động (đạt 94,19% kế hoạch năm).
Các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đưa 8.583 người đi làm việc ở nước ngoài tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ước thực hiện đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra; cụ thể là giải quyết việc làm cho 305.000/300.00 lượt người (đạt 101,66% kế hoạch năm), trong đó có 141.000/140.000 chỗ làm việc mới (đạt 100,71% kế hoạch năm); tỷ lệ thất nghiệp đô thị là 3,9% (kế hoạch là hạn chế ở mức 4%).
Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng nhận định ảnh hưởng suy giảm của kinh tế thế giới đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như thị trường lao động.
Trước tình hình đó, Sở đã chủ động triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu lao động để tạo việc làm mới, hạn chế tình trạng mất việc làm.
Trong tháng cuối năm, Sở LĐ-TB&XH sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình quan hệ lao động để kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, đây là thời điểm nhạy cảm trước tết Nguyên đán. Do đó, lãnh đạo sở yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát chặt tình hình trả lương, trả thưởng tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để ổn định quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá cao kết quả làm việc 11 tháng qua của các đơn vị. Đến thời điểm này, Sở đã hoàn thành 68/69 chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu của UBND TP giao; các nội dung của ngành được Bộ LĐ-TB&XH giao trong năm cũng đã hoàn tất.
Ở lĩnh vực lao động việc làm, ông Lê Văn Thinh đề nghị các phòng ban liên quan tăng cường kết nối, quản lý tình hình lao động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho rằng, cơ quan chuyên môn mà chỉ khảo sát, nắm tình hình lao động ở vài ngàn doanh nghiệp lớn là chưa đủ để đại diện cho toàn cảnh bức tranh lao động, việc làm của một thành phố có hơn 250.000 doanh nghiệp, chưa kể hàng trăm ngàn đơn vị, hộ kinh doanh cá thể…
Ông Thinh chỉ đạo các đơn vị phải tìm giải pháp mở rộng khả năng quản lý lao động trên quy mô lớn hơn, nắm rõ vấn đề lao động của doanh nghiệp thì mới hiểu rõ tình hình cung cầu lao động hiện nay như thế nào. Từ đó, ngành lao động mới xác định được công tác trọng tâm sắp tới ra sao, tổ chức sàn giao dịch việc làm, đào tạo nghề gì cho phù hợp thị trường…
Đặc biệt, ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh đến công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đã được toàn ngành lao động thành phố tích cực tham gia và bước đầu đạt được nhiều kết quả, điểm số đánh giá tăng lên. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ ra tồn tại là còn một bộ phận công chức, viên chức chưa có thái độ tốt khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị các đơn vị, bộ phận có tiếp xúc với người dân phải bố trí camera giám sát, ban hành quy trình giám sát và xử lý rõ ràng, minh bạch để mọi người tuân thủ, cải thiện thái độ khi tiếp xúc, xử lý công việc cho người dân.
“Ở bộ phận tiếp công dân, có thể bố trí một người hướng dẫn để chỉ người dân muốn làm gì thì đến gặp ai, ở đâu… Người này đồng thời giám sát thái độ của cán bộ tiếp dân có tốt không. Nếu người giám sát không phát hiện ra mà để người dân phản ánh, camera giám sát phát hiện thì trách nhiệm thuộc về người giám sát”, ông Thinh gợi ý.