Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM nghiên cứu khoa học. Ảnh: Mạnh Tùng |
Áp dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, TPHCM xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc.
Lương chuyên gia 30 – 100 triệu đồng/tháng
Sở Nội vụ TPHCM vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý 2 dự thảo nghị quyết về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao làm việc cho khu vực công lập.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, qua 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 20 của HĐND TPHCM về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 – 2022, đến nay, thành phố mới thu hút được 5 chuyên gia cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và 5 chuyên gia làm việc tại Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả này được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng của thành phố.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, chế độ, chính sách thu hút dù được TPHCM mạnh dạn áp dụng cơ chế ưu đãi cao hơn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn và giữ chân đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó, việc xây dựng môi trường khoa học và tạo điều kiện cho chuyên gia có không gian phát triển còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, TPHCM tập trung thực hiện các cơ chế đột phá theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nên cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao bằng những ưu đãi vượt trội. Do đó, tại dự thảo Nghị quyết mới về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt, Sở Nội vụ dự kiến các chính sách đãi ngộ phù hợp hơn.
Trong đó, mức thu nhập hằng tháng với chuyên gia giỏi được nâng lên 30 – 100 triệu đồng/tháng; mức khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ từ 1 – 5% tổng giá trị ngân sách đầu tư cho công trình khoa học, sản phẩm trí tuệ.
Sở Nội vụ cũng đề xuất mở rộng lĩnh vực, phạm vi thu hút nhân tài cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. TPHCM cũng có cơ chế đãi ngộ cho cá nhân đã có sẵn các sản phẩm, công trình phù hợp với nhu cầu mà thành phố đặt hàng.
Bên cạnh thu hút các chuyên gia giỏi, TPHCM sẽ tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao. Dự thảo nghị quyết về vấn đề này sẽ kế thừa và phát triển các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017 của Chính phủ.
TPHCM sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng thu hút là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có năng lực đặc biệt, nổi trội, có nhiều thành tích và đóng góp lớn cho hệ thống chính trị.
Dự kiến sẽ có 5 nhóm chính sách đãi ngộ nhằm xây dựng mức thu nhập hấp dẫn và tạo điều kiện, môi trường công vụ tốt nhất. Hằng tháng, sinh viên mới ra trường có thể nhận mức hỗ trợ từ 2 – 4 lần mức lương tối thiểu vùng; bên cạnh các ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng làm việc.
Sinh viên xuất sắc (giữa) nhận giấy khen trong lễ tốt nghiệp Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Lãnh đạo tổ chức khoa học nhận lương cao nhất 120 triệu đồng
Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 hôm 11/11 đã thông qua tờ trình nghị quyết về ưu đãi tiền lương, tiền công với các chuyên gia giỏi của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đây là chính sách được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 98.
Theo đó, mức lương người đứng đầu trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TPHCM thành lập được chia làm 4 mức, tương ứng với mức 1: 60 triệu đồng/tháng; mức 2: 80 triệu đồng/tháng; mức 3: 100 triệu đồng/tháng; mức 4: 120 triệu đồng/tháng.
Mức lương của cấp phó người đứng đầu, lần lượt theo các mức là: 50 triệu đồng; 65 triệu đồng; 85 triệu đồng và 100 triệu đồng. Với các trưởng phòng, ban, phòng thí nghiệm, đơn vị trực thuộc, các mức lương là: 40 triệu đồng, 50 triệu đồng, 65 triệu đồng và 80 triệu đồng.
Để được hưởng mức lương cao nhất cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người hưởng ưu đãi phải có từ 12 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực theo quy định, đồng thời đáp ứng 1 trong 4 điều kiện.
Cụ thể, người hưởng mức lương ưu đãi từng chủ trì ít nhất 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 8 nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu đạt trở lên; là tác giả chính của 8 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS; là tác giả của ít nhất 3 sáng chế hoặc 6 giải pháp hữu ích hoặc là tác giả của ít nhất 3 văn bằng bảo hộ về giống cây trồng; là tác giả của ít nhất 3 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; hoặc từng triển khai 4 nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Sở dĩ, TPHCM ban hành nghị quyết này bởi theo chính quyền thành phố, chính sách tiền lương của khu vực công hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mô hình thang, bảng lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã áp dụng gần 20 năm nên không còn phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Do đó, cần xem xét, cải thiện và xây dựng chính sách mới phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả của chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học. Việc này cũng nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong giai đoạn thí điểm mới.
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh, việc ban hành 2 nghị quyết về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao được lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết số 31-NQ/TW 30/12/ 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sở Nội vụ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh các dự thảo trình UBND TPHCM phê duyệt, dự kiến trình HĐND TPHCM trong kỳ họp cuối năm 2023.