Lợi dụng tâm lý nôn nóng muốn đi nhanh và thiếu thông tin, nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng mạng xã hội để lừa đảo người có nhu cầu xuất khẩu lao động
Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cảnh báo việc tái diễn các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó nhấn mạnh thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) gia tăng, nhiều cá nhân, tổ chức đã tiếp cận đưa ra hứa hẹn về cách ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, đi dễ, làm visa bao đậu… để lừa đảo.
Dính quả lừa
Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các doanh nghiệp (DN) XKLĐ uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn người lao động (NLĐ) ở sân bay, nhiều chương trình ưu đãi với chi phí làm visa chỉ bằng một nửa so với công ty uy tín khiến nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, vợ chồng chị Vũ Thị Th. (tỉnh Đồng Nai) quyết định đi Hàn Quốc làm việc nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu chương trình EPS, vợ chồng chị thấy không đủ tiêu chuẩn nên chuyển hướng qua tìm hiểu chương trình lao động thời vụ. “Tôi lên hỏi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh thì được biết chương trình này chỉ có đi theo diện tỉnh ký với địa phương của Hàn Quốc, nên không đi được theo chương trình này” – chị Th. nói.
Tuy nhiên, khi chị cùng chồng lên Facebook tìm hiểu thì thấy nhiều nơi nhận làm visa thời vụ sang Hàn Quốc với chi phí hợp lý. Hình ảnh thể hiện họ đã đưa hàng trăm lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ thu hoạch nông sản, cuộc sống tốt, thu nhập cao. Tưởng thật, chị chuyển 20 triệu đồng đặt cọc nhưng sau đó đã bị chặn mọi thông tin liên lạc.
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Hồng Lĩnh (thuộc FPT Jetking) cho biết các đối tượng lừa đảo luôn đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn nhanh chóng, đơn giản thủ tục để dẫn dụ NLĐ. Chúng cũng thường xuyên nhắn tin tương tác nhằm tạo uy tín về chất lượng dịch vụ, cắt ghép hình ảnh, video thể hiện sự chuyên nghiệp hòng tạo niềm tin.
NLĐ có nhu cầu đi nước ngoài làm việc cần tỉnh táo và cảnh giác. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng… cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào. Nếu chọn dịch vụ XKLĐ phải đến văn phòng công ty để xác minh, xem kỹ giấy phép hoạt động, nếu có chuyển tiền thì chuyển vào tài khoản của DN dịch vụ, tuyệt đối không chuyển đến tài khoản cá nhân.
“NLĐ cần tra cứu các DN dịch vụ được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH thông qua địa chỉ www.dolab.gov.vn. Khi phát hiện có dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại” – ông Lĩnh nói.
Đề cao cảnh giác
Sở LĐ-TB-XH TP HCM vừa thông tin thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều phản ánh liên quan các trường hợp NLĐ được một số tổ chức, cá nhân tư vấn, giới thiệu đi Canada làm việc nhưng không thực hiện các nội dung đã thỏa thuận. Đáng chú ý, mức phí NLĐ bỏ ra thường rất cao, từ 350 – 600 triệu đồng nhưng vẫn chưa được đưa sang Canada làm việc như hứa hẹn.
Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC Corp, trụ sở tại TP Hà Nội) cũng vừa gửi đến Sở LĐ-TB-XH TP HCM, Công an quận Tân Bình (TP HCM) báo cáo về việc có cá nhân mạo danh công ty để đăng tuyển lao động đưa đi làm việc tại Úc. Theo đó, VTC Corp nhận được những cuộc gọi của nhiều lao động tại các tỉnh miền Nam để xác nhận rằng họ biết được thông tin đăng tuyển qua các trang Facebook của một số cá nhân với danh nghĩa là nhân viên của VTC Corp tuyển lao động đi Úc và tiếp nhận hồ sơ của NLĐ.
VTC Corp khẳng định hiện công ty chỉ tổ chức hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại trụ sở chính ở Hà Nội. Công ty không thực hiện hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Úc và không phát hành bất kỳ thông báo nào liên quan việc tư vấn và tuyển lao động để đưa đi làm việc tại Úc.
Qua phản ánh, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã xác minh và nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật, tổ chức đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc trái phép. Do đó, sở đã gửi văn bản chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP HCM điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH TP HCM khuyến cáo đến NLĐ khi có nhu cầu ra nước ngoài làm việc cần tìm hiểu kỹ các chương trình XKLĐ mà Việt Nam đã ký kết với các nước, đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm của thành phố để tìm hiểu thông tin. Tuyệt đối không đóng tiền, cung cấp hồ sơ cho bất kỳ ai khi chưa rõ về công việc, về số chi phí phải bỏ ra…
Ngăn chặn di cư bất hợp pháp
Trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18-3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn xác nhận thời gian gần đây, có nhiều người ra nước ngoài theo lời dụ dỗ của các nhóm, trong đó chủ yếu là với khẩu hiệu “việc nhẹ lương cao”, tham gia những hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật; chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này và di cư bất hợp pháp.