Nguồn: Hiếu Nguyễn (thực hiện)
GD&TĐ – Các chuyên gia chia sẻ quan điểm về hướng đi sắp tới của các cơ sở đào tạo quy mô nhỏ góp phần thiết lập hệ thống GDĐH vững mạnh.
Ảnh minh họa: ITN |
Việt Nam còn không ít cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) quy mô nhỏ, lĩnh vực đào tạo hẹp, hoạt động kém hiệu quả; nhiều cơ sở không mở rộng, phát triển được theo định hướng chiến lược nhà trường đã đặt ra… Các chuyên gia chia sẻ quan điểm về hướng đi sắp tới của các trường này góp phần thiết lập hệ thống GDĐH vững mạnh.
TS Lê Viết Khuyến – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam: Thiết lập hệ thống mở qua triển khai quy trình đào tạo mới
TS Lê Viết Khuyến. |
Theo Luật Giáo dục 2019, tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục đại học là trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) địa phương và trường đại học địa phương (đều do Bộ GD&ĐT quản lý). Các trường cao đẳng khác thuộc giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý và không thuộc về GDĐH.
Từ trước đến nay, Nhà nước luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương và xem giáo dục địa phương là bộ phận không thể thiếu của hệ thống giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, hiện một số địa phương do gặp khó khăn trong huy động ngân sách hoạt động cho các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tại địa phương, trong đó có cơ sở GDĐH, nên xuất hiện xu hướng sáp nhập các trường địa phương này vào cơ sở GD-ĐT khác sứ mệnh.
Theo tôi, cho dù tạm thời gặp khó khăn về nguồn lực nhưng không phải vì thế mà một số địa phương phải “hy sinh” đứa con của mình là trường đại học địa phương. Những trường này được thành lập để phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực và bồi dưỡng dân trí cho cộng đồng địa phương, do đó phải được người dân địa phương nuôi dưỡng bằng khoản trích ra từ tiền thuế do họ đóng góp, cũng như bằng đóng góp tự nguyện của nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn.
Các trường đại học địa phương phải được chấp nhận tổ chức theo mô hình đa cấp, đa hệ, như kiểu đại học cộng đồng đang phổ biến trên thế giới, để có được tính năng động tối đa.
Chính quyền sở tại phải có trách nhiệm duy trì, hỗ trợ các trường địa phương để thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập. Trường hợp gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô đào tạo của trường hoặc vận dụng giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm nguồn lực mới cho phát triển nhà trường; tuyệt đối không chọn cách giải thể hoặc chuyển loại hình, sứ mạng của trường.
Một giải pháp cho trường đại học địa phương là hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau (như ngành Giáo dục đã đề xuất tại Hội nghị Đại học 1993) và triển khai hệ thống giáo dục mở thông qua quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp toàn hệ thống trên địa bàn.
Cụm trường liên kết này, trước mắt có thể gồm các trường đại học địa phương và CĐSP. Đặc biệt trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu thực hiện được chuyển đổi số đối với quy trình này, thì hy vọng đây chính là giải pháp tổng thể để duy trì sự ổn định và tạo cơ hội phát triển bền vững cho hệ thống trường ĐH-CĐ địa phương, trong đó có hệ thống các trường sư phạm.
TS Nguyễn Văn Cường – ĐH Potsdam (CHLB Đức): Cân nhắc kỹ việc sáp nhập hay hỗ trợ để hồi sinh
TS Nguyễn Văn Cường. |
Hiện, việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên là yêu cầu cần thiết nhằm đáp ứng đổi mới, phát triển giáo dục, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới với nhiều thay đổi. Quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên nhằm mục tiêu đảm bảo nhu cầu giáo viên, đáp ứng mục tiêu, chương trình giáo dục mới; đảm bảo và phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như tối ưu hoá nguồn lực đầu tư, tăng cường sự hấp dẫn, tính linh hoạt đối với hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cần xuất phát từ thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đào tạo hiện nay và sắp tới, dựa trên cơ sở khoa học cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Việc này cần đặt trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch mạng lưới GDĐH.
Trong phạm vi quốc tế và Việt Nam, đào tạo giáo viên được thực hiện trong trường đại học sư phạm (ĐHSP) hoặc đại học đa ngành. Mỗi mô hình đào tạo này có ưu và nhược điểm riêng. Đào tạo giáo viên trong trường ĐHSP có ưu điểm nổi bật là các khoa học giáo dục được chú trọng, nhưng có thể hạn chế trong đào tạo khoa học chuyên ngành. Ngoài ra, đào tạo giáo viên tại các trường ĐHSP có thể có vấn đề về tính linh hoạt và hiệu quả đầu tư; đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu, quy mô đào tạo giáo viên giảm.
Trái lại, đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành có ưu điểm là khoa học chuyên ngành mạnh. Tuy nhiên dễ có xu hướng khoa học giáo dục không được chú trọng đúng mức và khoa học chuyên ngành dù đào tạo sâu nhưng có thể thiếu phù hợp với chương trình GDPT. Đào tạo giáo viên ở trường đại học đa ngành có thể ứng phó linh hoạt hơn các biến động nhu cầu đào tạo giáo viên.
Trong quy hoạch mới vẫn nên duy trì cả hai mô hình này. Trong đó mô hình trường ĐHSP độc lập phù hợp các trường có quy mô đủ lớn để đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên ngành và hiệu quả đầu tư. Trong quá trình quy hoạch lại hệ thống, tất yếu có quá trình sắp xếp lại đối với một số cơ sở GDĐH. Những cơ sở GDĐH có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả trong khu vực đã có mạng lưới GDĐH đủ mạnh thì giải pháp sát nhập hoặc giải thể là phù hợp. Tuy nhiên, nếu cơ sở này ở những khu vực khó khăn, mạng lưới đào tạo cần phát triển, thì phải có sự đầu tư, hỗ trợ phù hợp, tổ chức lại để “hồi sinh”.
Đặc biệt cần có giải pháp phù hợp với cơ chế đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên phổ thông các cấp cần có trình độ đào tạo đại học, giáo viên mầm non cần trình độ cao đẳng. Do vậy trường cao đẳng không còn chức năng đào tạo giáo viên phổ thông. Có thể có giải pháp sáp nhập hoặc phát triển thành đại học đa ngành ở địa phương đối với các trường cao đẳng.
Tuy nhiên, việc tổ chức lại để đào tạo giáo viên mầm non trong các trường CĐSP hoặc cao đẳng đa ngành ở địa phương là giải pháp phù hợp. Cần mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Với nguồn lực đầu tư có hạn, ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH cũng như đào tạo giáo viên trọng điểm là phù hợp, nhằm tạo ra một số “đầu tàu”. Tuy nhiên, không nên có hệ thống phân bậc cơ sở đào tạo đại học như một thứ bậc mặc định về chất lượng đào tạo, điều này không phù hợp với tinh thần tự chủ đại học.
Các trường đại học trọng điểm chỉ nên được hiểu là trọng điểm dưới góc độ đầu tư của Nhà nước. Tất nhiên, các trường này có trách nhiệm đảm bảo quy mô và chất lượng đào tạo tương xứng với đầu tư trọng điểm. Mặt khác, cơ sở GDĐH dù không phải trường trọng điểm nhưng với quyền tự chủ, vẫn có thể đào tạo chất lượng cao. Trong kinh nghiệm quốc tế, nhiều trường đai học tự giới hạn quy mô để đảm bảo chất lượng đào tạo và có tính hấp dẫn, cạnh tranh cao.
PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Giải thể là giải pháp cuối cùng
PGS.TS Trần Thành Nam. |
Do những vấn đề thuộc về lịch sử, nhiều trường đại học tại Việt Nam hiện có quy mô nhỏ và đào tạo một số ít ngành. Có những trường quy mô hoạt động dưới 2 nghìn sinh viên, đào tạo đơn lĩnh vực nên hoạt động không hiệu quả do thiếu thốn nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, không được hỗ trợ giữa các ngành để phát triển bền vững.
Vì vậy, những cơ sở giáo dục sau khi được đánh giá không đáp ứng chuẩn tối thiểu, không mở rộng hay phát triển được theo định hướng chiến lược đã đặt ra cần tái cấu trúc, liên kết, sáp nhập, giải thể hoặc tìm động lực mới cho phát triển. Tất nhiên giải thể chỉ là giải pháp cuối cùng.
Để cải thiện hiệu quả kinh tế và hoạt động của cơ sở giáo dục, thường có hai hướng tiếp cận là tăng quy mô và phạm vi. Tăng quy mô có nghĩa các cơ sở giáo dục đào tạo liên kết, mở thêm phân hiệu ở vùng trũng của giáo dục để tuyển thêm người học, tăng quy mô đào tạo qua đó tăng hiệu quả kinh tế.
Còn tăng phạm vi có nghĩa các cơ sở đào tạo mở thêm ngành, chương trình đào tạo mới. Nói theo cách khác, cần khuyến khích các trường đại có uy tín tăng quy mô (chủ yếu bằng cách sáp nhập với cơ sở giáo dục kém hiệu quả) và nghiên cứu thị trường để mở thêm các ngành mới và trở nên đa ngành hơn nữa.
Việc sáp nhập giữa các đơn vị có thể giúp hợp nhất nguồn lực như tài chính, nhân lực, trang thiết bị,… giúp tiết kiệm chi phí hoạt động và sử dụng hiệu quả hơn. Nó giúp tận dụng nguồn lực của đơn vị có uy tín để tạo ra các dịch vụ, sản phẩm giáo dục chất lượng cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, qua đó tăng uy tín tương hiệu, lợi nhuận.
Tuy nhiên việc sáp nhập không phải là giải pháp cho tất cả đơn vị yếu kém, cũng không phải quá trình cưỡng chế. Nó cần thực hiện một cách dân chủ, thận trọng, theo chiến lược, kế hoạch từng bước để đảm bảo hiệu quả phát triển cũng như tránh gây tác động tiêu cực. Vì việc sáp nhập sẽ dẫn đến quyết định phải cắt bỏ ngành, chương trình đào tạo cũ không tuyển sinh được, loại bỏ giảng viên yếu kém không đáp ứng tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng đào tạo. Quá trình tái cấu trúc cần các nguồn lực tài chính đủ để sắp xếp lại đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất.
TS Phạm Kim Thư – Hiệu trưởng Trường CĐ Hữu Nghị: Tìm động lực phát triển mới
TS Phạm Kim Thư. |
Theo tôi, tuyệt đối không nên chọn giải pháp giải thể mà tìm động lực phát triển mới, tổ chức lại hệ thống quản trị để đưa các trường “hồi sinh”. Tuy nhiên, mỗi cơ sở giáo dục sẽ có hướng đi riêng phù hợp với điều kiện, mô hình.
Thứ nhất, các cơ sở GDĐH công lập nhiều năm không cải thiện quy mô đào tạo, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, hoạt động không hiệu quả, phần nhiều là các trường đại học địa phương.
Giải pháp với các trường này có thể là sáp nhập với đại học lớn như, mô hình Trường ĐH An Giang sáp nhập vào ĐHQG TPHCM, hay một số trường trên địa bàn sáp nhập lại như mô hình tại tỉnh Nghệ An. Cùng đó, địa phương phải đầu tư tài chính giúp các trường: Hiện đại hoá hệ thống cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học; đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; mở ngành đào tạo mới, xây dựng thư viện số, thu hút cán bộ, giảng viên có trình độ cao về làm việc.
Tức là địa phương phải hỗ trợ, đầu tư cho các nhà trường không để tự lo. Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất để các trường tồn tại, phát triển là sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có việc làm. Do vậy, địa phương cần có chính sách thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai là các trường đại học tư thục. Hiện nay, hệ thống trường đại học tư thục có đóng góp quan trọng trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, số lượng, quy mô trường còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết 35-NQ/CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 – 2025 đề ra (đến 2025 có 30% trường đại học tư thục, với tổng số sinh viên chiếm 22,5%).
Cần tìm động lực phát triển cho các trường thông qua việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để các nhà đầu tư yên tâm huy động nguồn lực đầu tư phát triển trường. Đó là, sớm xây dựng, ban hành chính sách: Đảm bảo bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, người học được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ chính sách phát triển giáo dục của Nhà nước. Cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ ODA; nguồn vốn tín dụng trong nước ưu đãi; rà soát các điều kiện đầu tư, chính sách thuế, chính sách đất đai trong lĩnh vực GD-ĐT.