Thông qua công tác tuyên truyền, vận động xuất khẩu lao động trực tiếp hoặc qua mạng xã hội, đã giúp tỉnh Trà Vinh đạt 132% chỉ tiêu năm 2023.
Trao đổi với Lao Động, ông Trịnh Minh Hùng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Trà Vinh – thông tin: Năm 2023, tỉnh này đã đưa 1.192 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt trên 132% so với chỉ tiêu.
“Người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 09.11.2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh về việc hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên đi lao động, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn năm 2021 – 2025”, ông Hùng cho biết.
Tính đến hiện tại, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 750 người lao động, học sinh, sinh viên đi lao động, học tập ở nước ngoài được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền trên 85 tỉ đồng.
Cũng theo ông Hùng, ngoài thực hiện tuyên truyền từ các phiên giao dịch việc làm, tại trung tâm giới thiệu việc làm,… cán bộ chuyên môn tại các đơn vị còn tạo các nhóm Zalo để kết nối và cung cấp thông tin về nhu cầu xuất khẩu lao động.
Học viên Trần Công Khánh (sinh năm 1992, ở thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho biết, anh đang theo học tiếng Nhật để tham gia lao động có thời hạn theo hợp đồng tại Nhật Bản ngành kỹ thuật ôtô.
Anh Khánh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh tham gia lao động tại địa phương và TP Hồ Chí Minh đến nay được hơn 11 năm. Đến đầu năm 2023, công ty khó khăn buộc anh phải nghỉ việc.
Khi đó, anh liên hệ Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh và được mời vào các nhóm Zalo có tư vấn xuất khẩu lao động. Qua đó đã giúp anh nắm được thông tin chi phí để xuất cảnh, thời gian làm việc cũng như mức thu nhập hàng tháng.
“Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định chọn đi xuất khẩu lao động để được thu nhập cao. Vì hiện tại, nhiều công ty ở Việt Nam vẫn còn khó khăn, chưa có nhu cầu tuyển lao động mới”, anh Khánh cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Trà Vinh thông tin thêm, việc lấy gương điển hình của xuất khẩu lao động “đi làm thuê, về làm chủ” để giới thiệu trong các buổi tư vấn việc làm đã thu hút được lượng lớn người tham gia xuất khẩu lao động.
Như trường hợp của em Thạch Gia Huy (sinh năm 2000) ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Là con trai duy nhất của một gia đình, nên việc đi xuất khẩu lao động lúc đầu không được cha mẹ chấp thuận.
Huy chia sẻ, cha mẹ em viện lý do là khi em đi xuất khẩu lao động thì cha mẹ ở nhà không còn người thân, đau bệnh không ai lo. Do vậy, cha mẹ em kiên quyết không cho tham gia xuất khẩu lao động.
“Cho đến khi tham gia phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Văn hóa huyện. Được ban tổ chức giới thiệu các điển hình, sau khi đi xuất khẩu lao động trở về có vốn mở quán cà phê, tiệm tạp hóa lớn, mua đất cất nhà mới,… nên từ đó, gia đình mới thống nhất cho em tham gia xuất khẩu lao động”, em Huy cho biết thêm.