Thị trường lao động có sự thay đổi mạnh mẽ, cơ quan quản lý cần tăng cường khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị nguồn lao động
Dự báo có sự chuyển dịch trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang chất lượng cao. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, về xu hướng việc làm trong tương lai.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình hình việc làm năm 2024?
– Ông TRẦN ANH TUẤN: Năm 2023, tình hình kinh tế tại các đô thị gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm nhân sự, tỉ lệ lao động thất nghiệp tăng. Sang năm 2024, dự báo kinh tế của Việt Nam có những bước khả quan, là năm bản lề tạo đà cho sự phát triển của năm 2025 và những năm tiếp theo.
Sau Tết Nguyên đán 2024, các DN bắt đầu phục hồi, có những nơi tuyển dụng hàng chục ngàn lao động với mức lương từ 8 – 12 triệu đồng/tháng để đáp ứng nhu cầu sản xuất – kinh doanh. Tuy vậy, nhiều DN vẫn thiếu lao động dù tăng lương, thưởng. Nguyên nhân của tình trạng này là thời gian mất việc kéo dài, nhiều người lao động (NLĐ) rời khỏi đô thị về lại các tỉnh và họ cũng đã tìm kiếm được việc làm ở quê nhà.
Bên cạnh đó, hiện NLĐ cũng chưa an tâm về công việc, trong bối cảnh sản xuất chưa ổn định, vì thế các DN phải đưa ra thông tin tuyển dụng hết sức chuẩn xác, có chuỗi chăm lo cho NLĐ, bảo đảm việc làm lâu dài chứ không phải thu nhập, thưởng cao là có thể thu hút nhân sự, nhất là lao động trẻ tuổi.
Xu hướng thị trường lao động trong tương lai thế nào, thưa ông?
– Thị trường lao động năm nay sẽ khác so với những năm trước. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo (AI) tác động toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội, lực lượng lao động thay đổi về quan điểm, đặc điểm. Các ngành nghề mang tính kết hợp lại.
Thị trường lao động Việt Nam sẽ nổi lên 4 xu hướng, gồm: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; gia tăng “khởi nghiệp, tự tạo việc làm”. Bên cạnh đó, việc đầu tư máy móc, công nghệ sẽ dần phổ biến; dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ việc làm, thị trường lao động và buộc cơ quan quản lý phải tăng cường cơ chế khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp cho sự phát triển kinh tế của thành phố.
Vậy DN cần gì ở NLĐ?
– Tại các ngày hội việc làm, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực công nghệ rất lớn, 68% việc làm sắp tới sẽ gắn liền với chuyển đổi số. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn còn thiếu hụt. Hiện nhu cầu DN tuyển dụng rất nhiều vị trí việc làm. Bước chân vào thị trường lao động, người trẻ phải có kỹ năng mềm, giao tiếp, ngoại ngữ, chịu áp lực công việc, học đi đôi với hành. Những trường hợp học nhưng không thực hành được, thiếu kỹ năng thì bị triệt tiêu. Thị trường chuyển đổi số sắp tới có những người phải rời khỏi thị trường lao động vì không phù hợp. Thị trường mở ra khốc liệt, đòi hỏi NLĐ phải phấn đấu.
Lao động trẻ phải học ngoại ngữ thật tốt để có nhiều cơ hội việc làm, không chỉ trong công việc mà còn có nhiều trải nghiệm cuộc sống, kết giao bạn bè quốc tế. Học ngoại ngữ không chỉ lý thuyết mà nên thực hành càng nhiều càng tốt. Sau khi tốt nghiệp, ra trường đi tìm việc làm, nếu ngoại ngữ bạn vững vàng thì sẽ có nhiều cơ hội và thu nhập cao hơn.
Xu thế của thị trường lao động sắp tới, lao động không có nghề, tay nghề thấp sẽ bị yếu thế. Các đợt mất việc làm vừa qua cho thấy họ gặp nhiều khó khăn, tìm việc làm mới cũng gian nan. Nhà nước đã phải đưa ra chính sách an sinh xã hội, đào tạo lại. Chính việc đào tạo lao động sẽ thúc đẩy nguồn nhân lực thay đổi và lựa chọn việc làm không ở mức thấp nữa.